Powered by Blogger.

CÁCH XỬ LÝ CƠN GIẬN TANTRUMS CỦA CON | #ToddlerYears

Một trong những điều tớ luôn cảm thấy may mắn trong suốt hơn 2 năm qua đó là việc đã được gần gũi con, dành thời gian & tâm sức bên con nhiều như thế nào. Nhiều tới nỗi mọi routine trong cuộc sống của hai mẹ con đều trùng khớp, mọi nỗi buồn niềm vui của con tớ đều hiểu lí do, và mọi sự thay đổi dù lớn nhỏ hai mẹ con đều có thể cùng nhau xoay sở hầu như không mất quá nhiều thời gian, công sức gì cả. Nhưng tất nhiên, ai đã từng làm mẹ cũng hiểu, việc nuôi con mỗi ngày lại đem lại những thách thức mới.

Việc bạn Mí sắp lên hai cũng mang lại cho tớ rất nhiều bất ngờ. Một trong những thay đổi lớn nhất trong tính cách, hành động của nàng thời gian này chính là việc bộc lộ cảm xúc giận dữ, thể hiện sự không hài lòng theo phong cách bùng nổ và rất bất chợt. Những cơn giận dữ lốc xoáy này mang tên TANTRUMS, cũng là nỗi sợ hãi của rất nhiều bố mẹ trong thời điểm con mình lên 2 tuổi, hay còn gọi là Terrible Two.




VÌ SAO CON GIẬN DỮ?

Tớ đã đọc một bài báo rất hay ví những cơn giận dữ, cuồng nộ này của các con như một cơn bão mùa hè - rất bất thình lình nhưng lại vô cùng hung hãn. Có thể một phút trước đó thôi, hai mẹ con đang vui vẻ cùng nhau chuẩn bị đi tắm, thì ngay lập tức sau đó, chỉ vì cái thuyền màu xanh blue trong bồn tắm không nổi bồng bềnh như mọi khi, con bùng nổ gào khóc nức nở, hét lên vài hồi chói tai, nằm lăn ra đất vật vã.

Sự thật đau buồn là những trận cuồng nộ kiểu này được cho là rất bình thường ở các bé 1-3 tuổi.

Chỉ một phần rất nhỏ trong những cơn giận dữ này bắt nguồn từ nhu cầu cần được đáp ứng của con, còn lại đa phần (đặc biệt ở độ tuổi 2-3t) bắt đầu từ việc con cảm thấy phẫn uất, nản chí vì không thể diễn tả được cảm xúc của mình. Ở 2-3t, con đã nghe và hiểu cực nhiều rồi, nhưng kỹ năng nói & diễn đạt vẫn vô cùng hạn chế. Và khi con không thể bộc lộ được những gì mình đang cảm thấy, giải thích cho bạn vì sao, thì việc cáu lên, bực bội, bùng nổ cảm xúc, cũng là điều dễ hiểu nhỉ!



XỬ LÍ TANTRUM CỦA CON NHƯ THẾ NÀO?


1.    Không được mất bình tĩnh

Nhìn con lên cơn cáu giận, bùng nổ tantrum tất nhiên không dễ chịu chút nào. La hét, đấm đá, nằm lăn ra mặt đất đập tay đập chân, kể cả ném đồ đạc, tự đánh mình, hay nhịn thở tới khi xanh xám, ... đều có thể là cách con thể hiện tức giận cao trào. Khi cơn giận đã đến, khả năng cao các bạn nhỏ sẽ không còn tâm trạng nào mà nghe lí giải, giải thích của bạn nữa, lại càng bùng nổ hơn nếu bạn "dám" to tiếng quát nạt hoặc đe doạ.

Hãy thử ngồi yên lặng cạnh con đợi "bão tố" đi qua. Việc quay lưng bỏ đi, ra khỏi phòng hoặc xa khỏi chỗ con lúc đó, tuy là rất dễ dàng và có vẻ là cách thể hiện quan điểm tốt, nhưng thực ra có thể khiến con cảm thấy bị bỏ rơi. Những bùng nổ cảm xúc lúc này con đang phải trải qua rất có thể cũng đang khiến con thấy hoang mang, sợ hãi và con sẽ cảm thấy an toàn hơn nhiều khi biết bạn vẫn luôn ở gần bên. Các chuyên gia còn khuyên bạn nên ôm con, bế con nếu có thể, vì những cái ôm và sự tiếp xúc gần gũi sẽ giúp con thấy thoải mái hơn. Nhưng một số khác lại khuyên bạn nên lờ những cơn tantrum đi, coi như không thấy, cho tới khi con đã hoàn toàn bình tĩnh trở lại, như một cách từ chối tiếp tay cho những hành động tiêu cực tương tự (đặc biệt trong những trường hợp con bùng nổ tantrum để đòi hỏi 1 món đồ gì đó chẳng hạn). Tuy nhiên, vì mỗi em bé là 1 cá thể khác biệt, nên cách duy nhất để tìm ra phương pháp phù hợp cho con mình đó là các bố mẹ phải thử nghiệm dần & theo dõi kết quả mà thôi.


search