Powered by Blogger.

SKINCARE CHO EM BÉ - PHẦN 1: CHÀM/ VIÊM DA CƠ ĐỊA



Sau nhiều ngày vật lộn thì mẹ Dâu cũng thoát cảnh làm diễn viên chính trong phim truyền hình nhiều tập kinh dị mang tên: “Con bị chàm da.” Kinh dị là vì đôi má Dâu Dâu đang mịn màng, hoàn hảo, không tì vết bỗng từ trên trời rơi xuống những đốm đỏ cực kì ngứa mắt. Nhiều tập là vì cứ vào đúng lúc tưởng như thương tích đã qua đi thì nó lại lục đục quay trở lại như xát muối vào trái tim yếu đuối của bố mẹ. Cảm ơn các khán giả thời gian qua đã đồng hành cùng nhà Dâu trên facebook hay insta cá nhân của tớ, thường xuyên hỏi thăm xem Dâu đã đỡ chưa. Hôm nay phim kinh dị đã đi đến hồi kết, tớ quyết tâm ngồi xuống chia sẻ kinh nghiệm cho các bố mẹ đây.


CHÀM LÀ GÌ?
Chàm da, hay còn gọi là viêm da cơ địa/ viêm da dị ứng là một tình trạng viêm da tự phát, do “cơ địa” tức bản thân cơ thể của em bé tự phát hoặc phản ứng với một số tác nhân khác mà thành. Dấu hiệu rõ ràng nhất là da mất nước, khô đi, gây tình trạng viêm, ngứa. Các em bé dưới 12 tháng như Dâu Dâu thường bị nhất là vùng má, nhìn như các em bé vùng cao má ửng đỏ hây hây khi trời rét. Ngoài má ra cũng có thể bị rải rác ở mặt, da dầu, sau tai, trên người, trên tay chân nữa.

TẠI SAO LẠI BỊ CHÀM?
Có nhiều yếu tố gây ra chàm nhưng tớ thấy phổ biến nhất là di truyền (nếu bố mẹ có tiền sử dị ứng/ chàm/ suyễn) hoặc rối loạn chức năng bảo vệ da, có nghĩa là có một protein đặc hiệu ở các lớp da bị mất chức năng, làm cho da dễ tổn thương, mất nước, khô đi, gây ngứa và dẫn đến chàm. Đau khổ nữa là khi đã đã dễ tổn tổn thương rồi thì lại càng dễ bị các yếu tố bên ngoài tác động như là xà phòng, hoá chất, lông chó mèo, thời tiết, nhiệt độ, thậm chí sữa hay thức ăn rớt trên mặt. Trước đây từ hồi 3,4 tháng tuổi Dâu Dâu thi thoảng cũng bị chàm một vài lần trên má nhưng khá nhẹ nhàng, chưa lần nào vết chàm lan rộng và bị khô nghiêm trọng như lần này, tớ cho là do vài tuần qua trời rét đậm rét hại lâu quá, với cả Dâu cũng bắt đầu ăn dặm nên mặt mũi lúc nào cũng nhem nhuốc thức ăn.

XỬ LÝ CHÀM NHƯ THẾ NÀO?
Vì đây là nguy cơ từ “cơ địa” nên hiện không có biện pháp nào để điều trị dứt điểm hoàn toàn được. Em bé của chúng mình giỏi lắm, cơ thể của chúng nó khi lớn lên sẽ tự khỏi hẳn mà thôi. Tuy nhiên cũng có vài thứ chúng mình có thể làm được để cải thiện tình hình. Là bố mẹ mà, ngồi yên nhìn con rụng một sợi lông tơ còn thấy xót, bảo khoanh tay đứng nhìn thì thật là khó hơn lên trời í.

- DƯỠNG ẨM

Da khô thì phải dưỡng ẩm, bản năng skincare bao nhiêu năm trời của tớ đã mách bảo thế và quả đúng như vậy, sách cũng khuyên là việc sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm cho em bé là giải pháp cấp bách nhất hehe. Bố mẹ chú ý nên chọn kem dưỡng ẩm chuyên biệt cho trẻ em hoặc các làn da nhạy cảm nhé, nghĩa là không màu, không mùi, ít tính dự ứng, thấm nhanh nhé, mà nhất định nên xài các hãng tử tế uy tín chứ đừng mua các loại trôi nổi ngoài thị trường.
Mọi lần Dâu bị chàm thì tớ đều xài Aveeno Baby Eczema Therapy Moisturizing Cream nhưng kem này nhà sản xuất khuyên không nên dùng liên tục quá 7 ngày, mà đợt này Dâu bị rõ nặng rõ lâu nên tớ chuyển qua dùng thử Laroche Posay Cicaplast B5 và mê luôn. Panthenol / Vitamin B5 có khả năng giữ ẩm rất tốt, vốn được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm kem dưỡng hay thuốc mỡ vì có tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu, chữa lành và tái tạo da. Hàm lượng Panthenol cũng chỉ có 5% nên khá an toàn, có thể dùng lâu dài hàng ngày được.

- GIỮ VỆ SINH

Nói đến giữ vệ sinh là nghĩ ngay đến tắm gội. Cũng tương tự như chọn kem dưỡng ẩm, chọn sữa tắm dầu gội các mẹ nhất định phải chọn sản phẩm giàu ẩm, không làm khô da, ít kích ứng nhé. Trước tớ dùng Kiehls Baby Gentle Hair & Body Wash, bây giờ thì đang xài Laroche Posay Lipikar cũng rất ổn. Khi tắm cũng chỉ nên tắm nhanh trong tầm 5-10’ thôi nhé, và đừng dùng nước nóng quá vì ngâm nước nóng quá lâu sẽ làm da bị mất nước nhiều hơn.
Lang thang trên các hội nhóm trôi nổi trên FB tớ thấy nhiều mẹ vẫn dùng chanh hoặc các loại lá để tắm cho bé, thậm chí pha nước muối. Huhu các bác sĩ khuyên là không nên làm thế đâu. Nước tắm từ lá cũng chứa những hoá chất có thể gây kích ứng da và dễ làm bệnh tình càng thêm trầm trọng. Chanh thì có tính sát khuẩn cao nên làm da rất khô và dùng lâu dài với nồng độ cao còn dễ làm da em bé bị bỏng. Nước muối cũng có tính sát khuẩn, nên cũng làm da khô đi, vì thế pha muối vào nước tắm hoặc lau mặt bằng nước muối là đi ngược lại nguyên tắc chăm sóc da cho bệnh chàm đấy ạ.

- CẮT MÓNG TAY

Khi em bé ngứa thì ắt sẽ phải gãi, mà càng gãi thì càng gây tổn thương da và làm cho tình trạng da càng nặng thêm. Trừ trường hơp ngứa cực kỳ kinh dị thì bác sĩ có thể kê antihistamin để giảm ngứa, nhưng phải rất thận trọng. Vì thế nếu chưa nghiêm trọng thì điều duy nhất bố mẹ có thể làm là cắt móng tay cho em bé. Móng tay là ổ dịch vi khuẩn, có thể truyền vi khuẩn sang vùng da bị tổn thương, gây nhiễm trùng nặng nề hơn nhiều.

- TRÁNH CÁC YẾU TỐ KÍCH THÍCH

Cái này siêu khó vì chính bố mẹ sẽ phải là người quan sát và thu thập thông tin để tìm ra yếu tố kích thích đáng ngờ nhất là gì, từ đó phòng tránh cho con. Phổ biến nhất thì vẫn là sữa và thức ăn dây trên mặt, nên tớ thường xuyên rửa mặt và lau miệng cho Dâu. Tốt nhất vẫn là dùng nước nhé, còn lười lắm giống tớ thì xài giấy ướt LEC 99.9% là nước tinh khiết, chứ đừng dùng các loại giấy ướt rẻ tiền sặc mùi hoá chất nhé. Phổ biến nữa là do nóng quá dẫn đến viêm da, vì thế nên bố mẹ nhớ cho em bé mặc đồ thoáng mát nhé, đừng ủ hấp kinh dị quá.

- KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ

Khi em bé càng lớn thì các đợt viêm da chắc chắn sẽ thưa dần và đa số sẽ tự hết hẳn. Vì thế bố mẹ nhất định phải kiên nhẫn đợi chờ ngày ấy đến nhé, cho dù không biết là ngày nào! Mỗi lần Dâu bị chàm tớ chỉ chăm chỉ thực hiện các bước trên là một vài ngày sau da Dâu đã lành lại rồi. Đợt này nghiêm trọng hơn chút, nhưng cũng không quá 10 ngày. Trong nhiều trường hợp các em bé bị nặng hơn, lâu hơn, phức tạp hơn thì có thể cho em bé đi khám để bác sĩ kê thuốc hoặc kem đặc hiệu hoặc cho uống kháng sinh. Tuy vậy, tớ đọc sách thì thấy những trường hợp này là rất hiếm gặp và không phổ biến.
Trên đây là một số kinh nghiệm tớ đúc rút được qua những lần Dâu bị chàm. Chàm là một hiện tượng cực kỳ phổ biến í nên bố mẹ nào cũng đang có em bé bị chàm thì mau loại bỏ ưu phiền sớm nhé, sẽ còn nhiều thứ kịch tích hơn chúng ta phải lo. Lần đầu tiên phát hiện chàm trên má Dâu, cả bố và bà Dâu đều hoảng hốt bảo phải cho đi khám bác sĩ ngay, nhưng tớ vẫn bình tĩnh trấn an, kết hợp thực hiện các bước trên và kiên nhẫn theo dõi, rất may là Dâu hồi phục rất nhanh chóng.
Có mẹ nào cũng có em bé bị chàm thì chia sẻ ở dưới nhé. Nếu bạn muốn tớ chia sẻ nhiều hơn về việc chăm sóc da cho em bé thì cũng comment nha, tớ đang có nhiều điều muốn nói lắm đây ^^
Mẹ Dâu.

7 Tips Cho Mẹ Mới Sinh - Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ

Chúc mừng các mẹ vì cuối cùng cũng đã được gặp thiên thần nhỏ của mình! Và chào mừng các mẹ đến với thử thách đầu tiên mang tên Nuôi-Con-Bằng-Sữa-Mẹ. Hôm nay tớ xin phép chia sẻ một vài tips nho nhỏ rất hy vọng giúp ích được cho các mẹ chinh phục được thử thách này (mà theo tớ là 1 trong những thử thách khó khăn nhất trong những ngày đầu làm mẹ lần đầu luôn! - và khi chinh phục được rồi thì nó sẽ là trải nghiệm tuyệt vời ngọt ngào đáng nhớ nhất nhấtttt). Bắt đầu nào 


1. CHUẨN BỊ KIẾN THỨC

Bước này cực cần thiết và quan trọng nhé. Nếu giờ này các mẹ còn tin vào câu nói "Nhiều sữa là do cơ địa" thì tớ xin khẳng định vậy là các mẹ đã 90% tước đi quyền cho em bé được ti mẹ rồi đấy ạ :(( Sữa không tự dưng tràn trề mà về, cơ thể không tự dưng mà sản xuất sữa. Tất cả vận hành như 1 bộ máy siêu việt cực thông minh. Nên để học cách vận hành nó, thì chúng mình phải đọc sách hướng dẫn sử dụng thui  Trong các sách vở tớ đã đọc, tớ xin vote 2 tay 2 chân quyển sách mang tên "68 Ngộ Nhận & Giác Ngộ về Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ" của NXB Phụ nữ. Sách này 350k khá chát, nhưng quy ra thì chưa bằng 1 hộp sữa công thức  Lại có thể giúp mình nuôi em bé tận vài năm với sữa mẹ, thì thôi phải mua luôn thôi hehe.
Về các mẹo vặt dân gian gọi sữa, tớ không tin và thấy không hiệu quả. Nhưng chúng có 1 tác dụng chung là giải quyết vấn đề về tâm lý cho các mẹ. Các mẹ tin tưởng rằng mình sẽ có sữa thì cũng đã thực hiện được 50% nhiệm vụ rồi 

search