Việc bạn Mí sắp lên hai cũng mang lại cho tớ rất nhiều bất ngờ. Một trong những thay đổi lớn nhất trong tính cách, hành động của nàng thời gian này chính là việc bộc lộ cảm xúc giận dữ, thể hiện sự không hài lòng theo phong cách bùng nổ và rất bất chợt. Những cơn giận dữ lốc xoáy này mang tên TANTRUMS, cũng là nỗi sợ hãi của rất nhiều bố mẹ trong thời điểm con mình lên 2 tuổi, hay còn gọi là Terrible Two.
VÌ SAO CON GIẬN DỮ?
Tớ đã đọc một bài báo rất hay ví những cơn giận dữ, cuồng nộ này của các con như một cơn bão mùa hè - rất bất thình lình nhưng lại vô cùng hung hãn. Có thể một phút trước đó thôi, hai mẹ con đang vui vẻ cùng nhau chuẩn bị đi tắm, thì ngay lập tức sau đó, chỉ vì cái thuyền màu xanh blue trong bồn tắm không nổi bồng bềnh như mọi khi, con bùng nổ gào khóc nức nở, hét lên vài hồi chói tai, nằm lăn ra đất vật vã.
Sự thật đau buồn là những trận cuồng nộ kiểu này được cho là rất bình thường ở các bé 1-3 tuổi.
Chỉ một phần rất nhỏ trong những cơn giận dữ này bắt nguồn từ nhu cầu cần được đáp ứng của con, còn lại đa phần (đặc biệt ở độ tuổi 2-3t) bắt đầu từ việc con cảm thấy phẫn uất, nản chí vì không thể diễn tả được cảm xúc của mình. Ở 2-3t, con đã nghe và hiểu cực nhiều rồi, nhưng kỹ năng nói & diễn đạt vẫn vô cùng hạn chế. Và khi con không thể bộc lộ được những gì mình đang cảm thấy, giải thích cho bạn vì sao, thì việc cáu lên, bực bội, bùng nổ cảm xúc, cũng là điều dễ hiểu nhỉ!
XỬ LÍ TANTRUM CỦA CON NHƯ THẾ NÀO?
1. Không được mất bình tĩnh
Nhìn con lên cơn cáu giận, bùng nổ tantrum tất nhiên không dễ chịu chút nào. La hét, đấm đá, nằm lăn ra mặt đất đập tay đập chân, kể cả ném đồ đạc, tự đánh mình, hay nhịn thở tới khi xanh xám, ... đều có thể là cách con thể hiện tức giận cao trào. Khi cơn giận đã đến, khả năng cao các bạn nhỏ sẽ không còn tâm trạng nào mà nghe lí giải, giải thích của bạn nữa, lại càng bùng nổ hơn nếu bạn "dám" to tiếng quát nạt hoặc đe doạ.
Hãy thử ngồi yên lặng cạnh con đợi "bão tố" đi qua. Việc quay lưng bỏ đi, ra khỏi phòng hoặc xa khỏi chỗ con lúc đó, tuy là rất dễ dàng và có vẻ là cách thể hiện quan điểm tốt, nhưng thực ra có thể khiến con cảm thấy bị bỏ rơi. Những bùng nổ cảm xúc lúc này con đang phải trải qua rất có thể cũng đang khiến con thấy hoang mang, sợ hãi và con sẽ cảm thấy an toàn hơn nhiều khi biết bạn vẫn luôn ở gần bên. Các chuyên gia còn khuyên bạn nên ôm con, bế con nếu có thể, vì những cái ôm và sự tiếp xúc gần gũi sẽ giúp con thấy thoải mái hơn. Nhưng một số khác lại khuyên bạn nên lờ những cơn tantrum đi, coi như không thấy, cho tới khi con đã hoàn toàn bình tĩnh trở lại, như một cách từ chối tiếp tay cho những hành động tiêu cực tương tự (đặc biệt trong những trường hợp con bùng nổ tantrum để đòi hỏi 1 món đồ gì đó chẳng hạn). Tuy nhiên, vì mỗi em bé là 1 cá thể khác biệt, nên cách duy nhất để tìm ra phương pháp phù hợp cho con mình đó là các bố mẹ phải thử nghiệm dần & theo dõi kết quả mà thôi.
2. Hãy nhớ bạn là người lớn
Bất chấp những cơn tantrum dài hay ngắn, bố mẹ không được đầu hàng và chấp nhận những đòi hỏi vô lý của con hoặc cố gắng thoả thuận khi con đang gào khóc. Đặc biệt trong các trường hợp con bùng nổ tantrum ở những nơi đông người (trong nhà hàng, ở siêu thị, nhà ông bà, ...) để con chấm dứt gào khóc càng nhanh càng tốt. Hãy cố gắng tạm không quan tâm người khác nghĩ gì - ai đã từng làm cha mẹ cũng sẽ hiểu cho bạn thôi! Khi bạn đầu hàng, thì chính bạn đang dạy con rằng "Cứ gào khóc ăn vạ là con sẽ dành được điều mình muốn!". Hic, không nên chút nào!!! Trong khi con bạn đang gào khóc vì không kiểm soát được cảm xúc, không kiểm soát được tình thế, bạn càng phải nhớ mình là người lớn ở đây, và mình phải là người kiểm soát!
Nếu cơn giận của con cao trào tới độ con bắt đầu đánh người & thú vật xung quanh, quăng ném đồ đạc, hoặc gào hét không ngừng, hãy bế con và đưa tới 1 khu vực riêng biệt (như phòng ngủ). Khi con ngừng hét hãy nói rõ lí do ("Mẹ bế Mí vào đây vì Mí đã đánh bà nội"), và nói bạn sẽ ở cạnh con cho đến khi con ngừng khóc, bình tĩnh lại. Nếu bạn đang ở một nơi công cộng - 1 khu vực phổ biến cho các em bé lên cơn bùng nổ tantrums - hãy chuẩn bị sẵn tâm lý để bế con rời khỏi nơi đó ngay và luôn cho tới khi con bạn bình tĩnh lại.
3. Nói chuyện lại với con sau đó
Khi bão tố tạm đi qua, hãy ở cạnh con và nói về những gì đã xảy ra trước đó. Ôm con càng tốt! Đây sẽ là lúc bạn cùng con nghiêm túc nhìn nhận lại việc con cáu giận, và giúp con bày tỏ cảm xúc của mình, nói những câu như "Mẹ biết lúc nãy Mí cáu vì thuyền trong bồn tắm không nổi bồng bềnh như con muốn." Cho con biết rằng, khi con cố nói ra điều con muốn bằng từ ngữ một cách bình tĩnh, con sẽ có được kết quả tốt hơn. Hãy nói vui vẻ với con "Mẹ xin lỗi vì lúc nãy mẹ không hiểu con nói gì. Giờ con không khóc & hét nữa thì con nói cho mẹ biết con muốn gì nhé!"
4. Cố gắng phòng tránh các hoàn cảnh dễ gây ra tantrums
Bạn Mí nhà tớ thường rất dễ cáu khi ĐÓI hoặc BUỒN NGỦ. Nếu con bạn cũng thuộc team này thì hãy nhớ mang theo đồ ăn vặt khi đi ra ngoài, tính giờ con ngủ & sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý. Hoặc nếu con bạn là người không thích những thay đổi đột ngột giữa các hoạt động, hãy nhớ thông báo rõ ràng cho con trước khi mỗi hoạt động kết thúc (vd: "Mình sẽ đi ngủ sau khi bố đọc hết truyện này cho Mí nhé!").
2 tuổi, con đã bắt đầu biết tự mình làm nhiều việc và học tập dần về sự độc lập, nên hãy cho con quyền lựa chọn khi có thể. Không ai muốn bị bắt ép làm mọi việc suốt cả ngày cả, bạn cũng thế, con bạn lại càng như thế. Hãy hỏi "Con thích mặc quần hồng hay quần tím?" thay vì "Mặc quần tím vào ngay!" sẽ cho con cơ hội được quyết định, kiểm soát.
Hãy để ý cả việc mình có nói "Không!" thường xuyên cỡ nào. Nếu bạn nói Không rất nhiều, thì khả năng cao là bạn đang gây ra stress cho cả 2 mẹ con đó! Hãy thử thư giãn, linh hoạt hơn và chọn những cuộc chiến thực sự xứng đáng. Tắm thêm 5 phút chưa chắc sẽ làm hỏng mọi kế hoạch của ngày. Và việc con mặc cả quần cả váy cùng lúc chưa chắc đã tồi tệ như bạn nghĩ.
5. Theo dõi thêm các dấu hiệu stress
Mặc dù việc tantrum bùng nổ hàng ngày là 1 phần siêu bình thường của những năm tháng toddler, các mẹ cũng nên lưu ý quan sát thêm tránh các vấn đề nghiêm trọng hơn. Gia đình có điều gì xáo trộn gần đây không? Bố mẹ có đang căng thẳng với nhau, hay cãi nhau không? Thời tiết có đang thất thường nóng lạnh? ... Tất cả đều có thể có đóng góp vào sự bùng nổ tantrums của con đó!
Nếu đã qua mốc 30 tháng, và con bạn vẫn đang có những cơn bùng nổ tantrums siêu mạnh mẽ dai dẳng hàng ngày, hãy gặp bác sĩ và kiểm tra thêm nhé. Nếu con nhỏ hơn 30 tháng tuổi, mỗi ngày đều bùng nổ tantrums 3-4 lần nghiêm trọng, không chịu hợp tác với bất kỳ routine nào dù đơn giản như mặc quần áo, dọn đồ chơi, bạn cũng nên cùng con đi kiểm tra thêm. Việc đảm bảo con hoàn toàn khoẻ mạnh, không có vấn đề sức khoẻ/ tâm lý gì nghiêm trọng, cũng sẽ giúp mẹ tìm được cách hiệu quả để đối phó với những cơn tantrums này hơn.
Có thể vì bạn Mí là một cô gái ưa nhẹ nhàng, không quá nóng nảy, lại có thêm ưu điểm to lớn là được gần mẹ suốt từ khi lọt lòng, nên cách hai mẹ con trao đổi sau mỗi trận tantrum khá là dễ dàng & hiệu quả, và giai đoạn tantrums trôi qua khá là nhanh & không nhiều kinh hãi cho lắm! (*trộm vía* và hi vọng trong tương lai có quay lại cũng chỉ thưa thớt & dễ giải quyết thôiiii)
Chỉ vài tips đơn giản ở trên nhưng thực sự khi áp dụng tớ thấy vẫn là khó. Việc khó không phải ở chỗ con không hợp tác, mà lại là ở phần bố mẹ! Bố mẹ cũng là những cá thể có cảm xúc, và thường khi con đã bùng nổ rồi, bố mẹ cũng rất dễ bị cảm xúc tiêu cực chi phối, từ đó dẫn đến các hành động tiêu cực khác để phản ứng lại với con nhằm chứng tỏ uy quyền như quát, mắng, thậm chí đánh. Nhưng lời khuyên của tớ đó là, nhứng hành động này chỉ có 1 tác dụng duy nhất thôi - đó là kéo con ra xa hơn khỏi bố mẹ. Con không biết kiểm soát cảm xúc tốt hơn, chỉ thấy sợ hãi hơn, bức xúc ức chế dồn nén hơn, hết lần này qua lần khác --> vô cùng phản tác dụng. Về lâu về dài dễ sinh ra thói quen lách luật đối phó, chôn vùi cảm xúc, có thể kéo theo nhiều vấn đề tâm lý khác. Nên các bố mẹ hãy nhớ cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình, cùng con vượt qua những bão tố này với thật nhiều yêu thương & nhẫn nại nhé!!!
Hành trình nuôi dạy con khó nhất là ở phần thay đổi hoàn thiện chính mình đó! Bố mẹ cố gắng trở thành những phiên bản tốt đẹp nhất, các em bé cũng sẽ tốt đẹp theo đó mà ;) Chúng mình cùng cố gắng với nhau nhé!
Good luck,
Yêu yêu,
Tớ Diệp
Nguồn tham khảo:
www.babycentre.co.uk
No comments