Powered by Blogger.

5 tips giúp bé sơ sinh ngủ ngoan

Tớ nhớ trong 3 tháng đầu mới sinh con, chuyện ăn - chuyện ngủ của con là 2 vấn đề làm tớ stress nhất. Chuyện ăn uống, ti mẹ tớ đã kêu la vài lần trên blog rồi, ở đây, đâyđây. Nhưng chuyện  ngủ thì chưa có dịp chia sẻ. Hôm nay để mở đầu cho series nói chuyện ngủ của em bé, tớ muốn chia sẻ 5 tips tớ cho là quan trọng nhất trong việc giúp bé sơ sinh ngủ ngoan trong những ngày tháng đầu đời. Các mẹ đọc cùng tớ nhé!



Các em bé sơ sinh thường ngủ rất nhiều – trung bình 16-17 giờ mỗi ngày. Và đa số các em bé sẽ không thức quá 2-4h mỗi lần, bất kể đêm hay ngày trong những tuần đầu tiên ra thế giới.

Càng lớn, các giấc ngủ ban ngày của các con càng ngắn lại, thưa hơn, và ngủ đêm dài hơn, sâu hơn. Tầm 4-6 tháng, các con sẽ có thể ngủ liền một mạch 6-8 giờ (hoặc hơn nữa) mỗi đêm.

Việc giúp con hình thành nếp ngủ ngoan từ khi mới sinh tớ khẳng định là một trong những việc rất nên làm và rất cần thiết để con có thể sinh hoạt điều độ mỗi ngày, từ đó có thể phát triển tốt về cả thể chất lẫn tâm lý. Khi con ngủ ngoan, sinh hoạt tốt, mẹ cũng sẽ thoải mái và vui vẻ hơn.

1. Nhận biết các dấu hiệu khi con mệt, buồn ngủ

Trong 6-8 tuần đầu tiên, các con sẽ không thể thức lâu hơn 2 tiếng mỗi lần. Nếu bố mẹ cho con thức lâu/ dài hơn như vậy con sẽ dễ cáu mệt do quá buồn ngủ, và việc vào giấc dễ trở thành 1 cuộc vật lộn căng thẳng, mệt mỏi.

Hãy dành những tuần đầu tiên nhẹ nhàng quan sát, theo dõi những tín hiệu buồn ngủ của con. Con có đang dụi mắt không? Con đang kéo tai? Hay thường dễ cáu, gắt gỏng khi gần đến giấc ngủ?  Đây sẽ là lúc con dễ hợp tác nhất nếu mẹ hỗ trợ đưa con vào giấc. Dần dà sau 1-2 tháng, mẹ cũng sẽ cảm nhận được nhịp sinh hoạt hàng ngày của con, và biết ngay khi con có dấu hiệu muốn ngủ!




2. Chơi thật nhiều vào ban ngày

Một trong những việc quan trọng cần làm trong những ngày đầu tiên chào đón con tới thế giới mới đó là giúp con phân biệt ngày – đêm. Hãy tìm mọi cách để tương tác với con khi con tỉnh táo, vui vẻ khi thức giấc buổi sáng. Giữ cho phòng nhiều ánh sáng, âm thanh, các hoạt động tiếp diễn rôm rả. Nếu chưa hết cữ con đã ngủ gục thì cố gắng nhẹ nhàng gọi con dậy và tiếp tục hoạt động cho tới hết thời gian cữ thức đó. Hạn chế các giấc ngủ vặt, ngủ không tròn giấc tối đa để con có thể sinh hoạt giờ giấc nhé!


3. Giữ cho ban đêm êm dịu

Vào buổi đêm, cố gắng không trò chuyện, tương tác khi con thức giấc. Hãy giữ cho ban đêm được yên tĩnh, ánh sáng lờ mờ tối thiểu, và không nói chuyện với con quá nhiều. Lặp đi lặp lại con sẽ dần hiểu rằng ban đêm là thời gian tất cả mọi người đều đi ngủ.


4. Cân nhắc việc thành lập bedtime routine cho con

Bedtime routine là một chu trình các hành động lặp đi lặp lại mỗi tối trước giờ đi ngủ, giúp con nhẹ nhàng thư giãn, thả lỏng, vào giấc ngủ đêm dễ dàng hơn. Routine này có thể đơn giản là thay quần áo ngủ cho con, hát vài bài ru, thơm và chúc con ngủ ngon, hoặc có thể phức tạp nhiều bước hơn nữa như rửa mặt mũi chân tay, đọc truyện, nghe nhạc, v.v.. tuỳ sở thích của bố mẹ và sự hợp tác của con. Việc thành lập routine này bước đầu có thể thấy hơi chán cho bố mẹ, không thể hiện hiệu quả ngay (nếu bắt đầu vào thời điểm con còn nhỏ, chưa biết tương tác lại nhiều), nhưng vô cùng quan trọng trên đường dài! Hãy tin tớ chỉ sau một vài tháng, bố mẹ sẽ thấy sự kỳ diệu của nó trong việc kết nối bố mẹ - con và hiệu quả thần kỳ trong việc đưa con vào giấc ngủ!


5. Cho con cơ hội được tự vào giấc 

Tip này không dành cho tất cả mọi người, nhưng tớ thấy cũng nên list để bố mẹ có thể cân nhắc. Các chuyên gia thường khuyên bố mẹ nên sớm đặt con khi con lơ mơ buồn ngủ để con có thể học cách tự vào giấc. Thậm chí không được bế ẵm, rung, ru, vì dễ khiến con phụ thuộc vào những hành động này mới có thể vào giấc. Tuy nhiên không phải em bé nào cũng dễ dàng hợp tác với cách này (ví dụ như Mí nhà tớ suốt 6 tháng đầu). Nên các mẹ sẽ phải ôm ru, cho ti, bế bồng cho tới khi con ngủ. Tớ thấy cách nào cũng tốt miễn không làm bố mẹ căng thẳng mệt mỏi, và con hợp tác thích nghi tốt. Nên chúng mình cứ tự lắng nghe bản thân và dần điều chỉnh để con thích nghi dần dần nhé. 


Mí thúi hồi 2 tháng - cuốn swaddle và ngủ theo tiếng ồn trắng white-noise


Bố mẹ hãy nhớ rằng con đã có 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ ăn ngủ tuỳ thích, việc bước ra 1 thế giới có quá nhiều điều mới lạ phải học hỏi thích nghi, nên việc sinh hoạt theo cữ sẽ không thể xảy ra ngay được (trừ một số em bé siêu phi thường!). Hãy cố gắng kiên nhẫn và quan sát, theo dõi các tín hiệu của con để hai bên hiểu nhau nhiều hơn nhé!

Trong các năm tháng nuôi con, tớ thấy 1 năm đầu mẹ vất vả nhất, trong 1 năm đó 3 tháng đầu mệt nhất, và trong 3 tháng đầu thì 1 tháng đầu thấy căng thẳng mệt mỏi nhất. Nhưng rồi tất cả sẽ qua, các mẹ hãy lạc quan và cố gắng nhé!!!

Yêu yêu,
Tớ Diệp

Nguồn tham khảo:
www.health.havard.edu
www.babycenter.co.uk
www.chop.edu
www.medicalnewstoday.com

No comments

search