Powered by Blogger.

A-Z chuyện Tắc Tia Sữa

Nếu trên trần gian không có gì tuyệt vời bằng cảm giác được ôm con trong lòng ngắm con ti mẹ ngon lành & lim dim ngủ thì tớ cũng xin khẳng định trái ngược với nó, trần gian này đệ nhất kinh hoàng chắc chắn là những sự đau đớn kinh hãi khi mẹ bị Tắc Tia Sữa!!! Tuy may mắn tớ chưa bị nặng quá lần nào, nhưng tắc tia một vài lần lặp đi lặp lại đã đủ làm tớ đau đớn phát khóc và nhiều lần đem ý định muốn từ bỏ công cuộc cho con ăn sữa mẹ hoàn toàn rồi :(( Hôm nay tớ viết bài này để chia sẻ với các mẹ một số thông tin về căn bệnh này, để các mẹ có thêm thông tin, dễ dàng tự xử lý khi chẳng may gặp phải nhé! Tất cả vì một hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thật suôn sẻ, khoẻ mạnh cho cả 2 mẹ con.






TẮC TIA SỮA

Khi cơ thể chúng mình có tuyến sữa sản xuất ra sữa với tốc độ nhanh hơn được tiêu thụ, thì lượng sữa dư thừa rất có thể sẽ bị kẹt lại tại các tia sữa. Khi điều này xảy ra, cộng thêm việc các tế bào xung quanh tia sữa bị tắc sẽ trở nên sưng lớn, tấy đỏ, đau nóng, đè vào tia sữa đó và tạo nên tình trạng tắc tia sữa.



Một số dấu hiệu của việc tắc tia sữa gồm có:

  • Sự xuất hiện của 1 (hoặc nhiều) cục cứng, tròn nhỏ có thể sờ được bằng tay. Khi sờ sẽ siêu đau. (Cục này thường khác với hạch ở chỗ sờ vào sẽ thấy ĐAU, ở 1 chỗ nhất định, và không chạy lung tung)
  • Tấy đỏ (đỏ một vùng có thể nhìn được bằng mắt thường)
  • Cảm giác tấy nóng, sưng cứng, thường sẽ dễ chịu hơn sau khi cho em bé ti bớt đi / hút bớt sữa ra
  • Nếu các mẹ cảm thấy đau, mệt mỏi hoa mắt, và lên cơn sốt (có thể tới 40 độ C), thì có nghĩa tia sữa bị tắc của mình đã bị nặng hơn, khả năng cao là nhiễm khuẩn và cần can thiệp xử lí gấp. Nếu không can thiệp sẽ dễ dẫn tới mastitis - viêm vú (nhiều cục cứng, sữa tắc cứng trong ngực), hoặc tệ hơn là abscess - áp xe (phải dùng tiểu phẫu can thiệp). Nên nếu đã có những triệu chứng này, các cậu đừng bỏ qua lờ đi nhé, nó sẽ không tự khỏi đâu!!


CÁI GÌ GÂY RA TẮC TIA SỮA?


Tắc tia sữa xảy ra khi ngực của chúng mình không được làm trống, không được hút cạn sữa hoàn toàn và thường xuyên. Việc này thường xảy ra trong một số trường hợp như:

  • Em bé ti mẹ chưa hiệu quả, ví dụ: khớp ngậm chưa chuẩn, ti chưa đúng cữ, ti chưa hết cữ
  • Sử dụng máy hút sữa chưa hiệu quả (máy chưa đủ mạnh, hút chưa hết cữ, hút không đúng giờ, bỏ qua các cữ, v.v...)
  • Mẹ dừng việc hút sữa / cho ti quá đột ngột (thường xảy ra với các mẹ mới đi làm lại, các mẹ tập cho con ngủ xuyên đêm,...)
  • Tia sữa bị đè nén hoặc tổn thương, có thể do áp lực từ áo / áo lót mẹ mặc do quá chật hoặc ngủ sai tư thế, ... Việc này làm sữa không thể thoát ra / trào ra khỏi bầu ngực khi bị quá đầy.
  • Mẹ không hút sữa / cho em bé ti thường xuyên (do mệt mỏi, ốm, ngủ quên, v.v...)
  • Mẹ bị stress. Stress làm giảm sự sản xuất oxytocin - loại hoóc-môn giúp "xuất" sữa ra khỏi bầu ngực.
Để phòng chống việc tắc tia sữa, các mẹ hãy cố gắng tránh việc trữ sữa trong bầu ngực quá lâu giữa các cữ hút sữa / cho con ti. Việc mặc 1 chiếc áo bra thoải mái, không gọng cứng, không quá chật cũng giúp cho bầu ngực và các tia sữa tránh được việc bị đè nén, gây ra tắc tia. 

Thay đổi tư thế bú để giảm tắc tia



CÁCH XỬ LÍ TẮC TIA SỮA?

Cho ti, cho ti, và cho ti! Tớ biết việc cho con ti ở bên bầu ngực bị tắc tia là rất đau, nhưng việc cho ti thường xuyên là cực kỳ quan trọng trong việc rút sữa ra, thông tắc tia sữa, làm trống bầu ngực hoàn toàn. Càng sớm làm cái này, các mẹ sẽ càng thấy dễ chịu sớm hơn, tia sữa cũng tránh được việc sưng viêm, nhiễm khuẩn. Nếu các mẹ không cho con ti trực tiếp thì hãy hút sữa ra liên tục, cố gắng làm cạn bầu sữa bằng mọi cách, càng nhanh càng tốt.

Khi tia sữa đã đã được thông thành công, khu vực đó vẫn có thể có màu đỏ hoặc có cảm giác đau nhức khi chạm vào, kéo dài tới 5-7 ngày sau, nhưng những cục cứng sẽ biến mất dần và việc cho em bé ti / hút sữa ở bầu ngực này sẽ không còn đau đớn nữa.

Một số cách khác gồm có:

  • Cho con ti ở bên ngực bị đau trước. Vì khi bắt đầu ti, lực hút từ miệng em bé sẽ là mạnh nhất, dễ thông tắc tia nhất. Nếu em bé không muốn ti hết cữ ở bầu ngực đó, ngực vẫn còn sữa, thì mẹ bắt buộc phải hút hết sữa từ bên ngực này ra (bằng máy hút hoặc dùng tay).
  • Chườm nóng hoặc lạnh. Cả hai đều giúp làm giảm sưng đau, giúp mẹ dễ chịu hơn, dễ dàng mát-xa ở bước tiếp theo. 
  • Tắm nóng trước khi massage/ cho con ti. Điều này vừa giúp tuyến sữa được chườm ấm với nhiệt độ vừa phải, giãn nở, mẹ cũng đỡ stress và giảm đau đớn hơn.
  • Mát-xa nhẹ nhàng. Đây là cách được khuyên dùng nhất từ các chuyên gia / bác sĩ và tớ thấy cũng hiệu quả nhất (đặc biệt khi kết hợp cùng lúc với các tips còn lại). Hãy dùng 2-3 đầu ngón tay của mẹ, kết hợp với một chút dầu massage (dầu dừa/ dầu trẻ em) để giảm ma sát; massage với một lực đủ mạnh (đủ để thấy hơi đau) lên khu vực bị sưng đau thường xuyên, bắt đầu từ bên ngoài của ngực và hướng về đầu ti. Các mẹ nên kết hợp chườm nóng trước khi massage/ cho em bé ti để giúp tia sữa giãn nở, phần khối sữa gây tắc lỏng ra dễ thông hơn. Chườm nóng cũng giúp mẹ đỡ cảm giác đau đớn và giảm sưng đau. (Cá nhân tớ hay thích dùng xôi nóng hoặc 1 củ khoai tây vừa luộc chín, bọc trong vải xô, nóng sâu và nóng lâu, chườm nhẹ nhàng 3-5' rồi massage kết hợp hút sữa)
  • Thường xuyên thay đổi tư thế cho ti. Bế con trong lòng, cho ti nằm, bế kiểu ôm bóng để đảm bảo sữa được phân phối qua các tia sữa đồng đều & lượng sữa được rút cạn thường xuyên. Khi đã bị tắc rùi, các mẹ có thể thử cho con ti với cằm hướng về phía có cục tắc, tớ có học được ở đâu đó trên mạng và thử thấy khá hiệu quả. Hoặc đặt con nằm và mẹ chống ở phía trên (như đang chống đẩy) để con ti ở phía dưới. Việc con ti kết hợp với trọng lực có thể giúp thông tắc nhanh hơn.
  • Nghỉ ngơi. Điều này luôn là 1 trong những thứ khó thực hiện nhất, đặc biệt trong 2 tháng đầu sau sinh, nhưng cũng là rất cần thiết để có thể đảm bảo cho bé ăn / ti / hút sữa được đúng cữ, thường xuyên. Việc cho con ngủ cùng trong thời gian đầu, và giữ trong khoảng cách gần các dụng cụ cần thiết cho việc thay bỉm, cho con ăn & chơi cũng sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn, cho các mẹ ngủ nghỉ được nhiều hơn. Hoặc các mẹ cứ mạnh dạn nhờ vả giúp đỡ từ những người khác để tranh thủ ngủ nghỉ nhé.
  • Ăn đầy đủ và uống thật nhiều nước. Các mẹ hãy ưu tiên ăn những thức ăn nhiều & cân bành dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, cơ thể dễ chống chọi hơn với việc viêm nhiễm khi tắc tia sữa. Uống thật nhiều nước để luôn tỉnh táo, khoẻ mạnh, sản xuất được sữa suôn sẻ nhé!
  • Dùng thuốc nếu cần. Các bác sĩ ở nước ngoài thường khuyên các mẹ sử dụng ibuprofen để giảm đau và các triệu chứng sưng viêm. Nhưng các mẹ nên cân nhắc, cẩn thận tư vấn với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong khi cho con bú nhé!

Một chiếc máy hút sữa mạnh sẽ giúp lấy cạn sữa trong bầu ngực của mẹ, xử lí được tắc tia sữa & ngăn chặn việc tắc tia quay trở lại


NẾU TỰ CHỮA KHÔNG ĐỠ THÌ SAO?

Cá nhân tớ đã từng được trải nghiệm 1 lần thông tắc sữa ở khoa Đông Y bệnh viện Bạch Mai gồm các bước sau: chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại và cô y tá sẽ dùng tay massage nhẹ nhàng để thông tắc cho tớ. Mặc dù đau đến phát khóc nhưng tớ đánh giá liệu trình khá hiệu quả, diễn ra cũng nhanh và có kết quả. Cô í là y tá trưởng (hình như tên là Quế) nên cũng rất dễ thương, mát tay. Các mẹ sinh ở viện Việt Nhật - Bạch Mai như tớ nếu bị tắc sữa những ngày đầu có thể nghiên cứu thử nhé!

Bên cạnh đó tuy chưa trải qua nhưng tớ cũng được nghe nhiều trải nghiệm "thông tắc tia sữa" tại nhà khác rất kinh hoàng, với các kiểu dụng cụ massage nặng đô & đau đớn đè lên ngực mẹ, chườm lá chườm thuốc, nóng lạnh ủ ấp các kiểu v.v... thì theo tớ, các cách chữa trị này khá hên xui, ai gặp may sẽ gặp người có kiến thức, tay nghề tử tế, làm ổn có kết quả, ai xui thì vừa đau vừa không có kết quả và có thể còn khiến nhiễm trùng, nặng hơn là dẫn đến áp-xe phải nhập viện. Và hình như các viện sản ở Hà Nội cũng chỉ điều trị các ca nặng tương tự áp-xe mà thôi? Cái này tớ không rõ lắm vì cũng may chưa phải đi bao giờ nên nhờ các mẹ hiểu biết hơn chia sẻ thêm hộ nha.

Thường thì tắc tia sữa, kèm nhiễm khuẩn dẫn tới sốt 40 độ là chúng mình cần ra tay xử lý ngay càng sớm càng tốt rồi để tránh dẫn đến viêm tuyến vú nặng hơn. Nếu đã thực hiện hết các biện pháp tự xử như nghỉ ngơi, chườm nóng, massage, cho ti / hút sữa liên tục mà 48 giờ sau vẫn không giảm sốt, rất đau đớn, thì các mẹ nên tìm cách đi khám ngay lập tức để được bác sĩ tư vấn cách điều trị, kê thuốc nếu cần nhé các mẹ. Cố gắng không để nó bị nặng hơn.

Trong 6 tháng đầu nuôi Mí bằng sữa mẹ hoàn toàn, tớ tuy chỉ bị tắc tia sữa tầm 4-5 lần thôi nhưng lần nào bị cũng sốt lên đến 40 độ, đầu óc quay cuồng và quan trọng là trải qua rất nhiều đau đớn, ám ảnh. Có lẽ đây là nỗi sợ hãi lớn nhất trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của tớ luôn! Nên các mẹ nếu trải qua, tớ mong các mẹ có thể lạc quan, cố gắng bình tĩnh xử lí để mau khoẻ, bớt lo sợ và con cũng có nhiều sữa dồi dào để ăn, có mẹ vui khoẻ để chơi cùng nhé. Chúng mình đang làm rất tốt rồi mà!!!

Vì 1 hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thật đáng nhớ cho cả 2 mẹ con


Cảm ơn các mẹ đã ghé đọc bài này với tớ.

Hẹn gặp lại mọi người ở những clip / bài viết lần sau của tớ và Loan

Tớ Diệp.




Nguồn tham khảo:
Kellymom (link)
Babycenter (link)
S3-Guidelines for the Treatment of Inflammatory Breast Disease during the Lactation Period: AWMF Guidelines, Registry No. 015/071 (short version) (link
Ultrasound as a treatment of mammary blocked duct among 25 postpartum lactating women: a retrospective case series (link)


Những bài viết của L@1S là do bọn mình tự tìm hiểu, tổng hợp và hệ thống lại để đưa ra chia sẻ với bạn đọc theo một cách L@1S nhất . Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm và đọc bài. Mọi vấn đề liên quan đến cộng tác hay sử dụng lại một phần hoặc toàn bộ nội dung bài viết, mời các bạn liên hệ với chúng mình tại địa chỉ emai loveat1stshine@gmail.com. Các bạn hoàn toàn có thể lưu lại với mục đích tra cứu, tham khảo cá nhân, nhưng xin phép đừng sử dụng hoặc đăng tải lại dưới bất kì hình thức nào và tại bất kì địa chỉ nào khác. 

Cảm ơn các bạn rất nhiều.


1 comment

  1. Ôi chị vô cùng biết ơn bài viết này của Diệp luôn ý. C đọc hết các bài của em và Loạn về chủ đề nuôi con. Nhưng có bài này đã giúp chị vượt qua được trở ngại tắc sữa để nuôi con sữa mẹ. Có bị vài lần mà k nặng, với tự sử được luôn mà k cần gọi người thông tắc tia gì hết. Cảm ơn Diệp nhiều nha!

    ReplyDelete

search