Powered by Blogger.

Các Thành Phần Skincare Nên Tránh Khi Mang Bầu



Hê lu mọi người!

Đây là một chủ đề không mới, bọn tớ cũng đã nhắc tới khá nhiều trong các clip hướng dẫn về skincare / lifestyle riêng cho các mẹ bầu trên youtube channel Loveat1stshinetv (link) rồi nhỉ! Nhưng hôm nay tớ xin phép được tổng hợp lại đầy đủ hơn, kèm một số giải thích ngắn gọn dễ hiểu cho các mẹ bầu tương lai, để mọi người dễ lưu lại / tìm đọc kỹ hơn khi cần nhé!







Lời đầu tiên,
Xin chúc mừng chúng ta vì hành trình tuyệt vời nhất thế giới sắp sửa thực sự bắt đầu! Bên cạnh những điều quan trọng nhất như phải ăn gì, làm gì, thì việc thay đổi các sản phẩm SKINCARE chăm sóc da của chúng mình cũng rất quan trọng đó! Không giống như các sản phẩm trang điểm (makeup), do chúng chỉ thường nằm trên bề mặt da, không thấm sâu vào dưới các lớp tế bào & máu của mẹ, nên chúng mình không cần lo lắng thay đổi; các sản phẩm Skincare sẽ cần chúng mình nghiêm túc quan tâm hơn, để tránh những tác hại cho cả mẹ và con trong giai đoạn bầu bí.

Những thành phần dưới đây cùng các rủi ro liên quan được kết luận dựa trên những nghiên cứu trên người & động vật, và số liệu thu thập được từ một số người dùng thực tế. Tuy chưa thể khẳng định được là 100% có hại nhưng tớ nghĩ các mẹ cũng nên biết để tự tham khảo & tìm hiểu thêm trước khi đưa ra quyết định cho bản thân.

Những thành phần các mẹ bầu nên cân nhắc tránh xa gồm có:





1. Retinoids

Còn được biết đến dưới các tên thành phần khác như retinoic acid, retinyl palmitate, retinaldehyde, tretinoin, adapalene, tazatorene và isotretinoin

Thường thấy trong các sản phẩm như Retin-A & các serum/ treatment tác dụng chống lão hoá & trị mụn. Đây cũng là thành phần rất phổ biến được các bác sĩ da liễu kê đơn để trị mụn nặng

Đã có các nghiên cứu khoa học khẳng định được mối liên quan giữa việc sử dụng retinoids và những nguy cơ về dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Các bác sĩ chắc chắn sẽ khuyên bạn không nên dùng các loại thuốc/ sản phẩm có chứa thành phần này nếu có ý định mang bầu; hoặc không nên mang bầu trong thời gian sử dụng các thuốc đó. Nên chúng mình hãy lưu ý ngừng sử dụng ngay khi có ý định bầu bí nhé!






2. Hydroquinone

Là một thành phần hiệu quả được sử dụng trong các sản phẩm làm sáng/ trắng da, hoặc điều trị các vấn đề như nám, tàn nhang trên da.

Dù bạn đang sử dụng các sản phẩm có chứa hydroquinone trước khi mang bầu hay đang cân nhắc sử dụng nó trong thời kỳ bầu bí để xử lí các phần da bị nám/ sạm màu (do hormones bầu bí) thì các bác sĩ cũng khuyên hãy dừng càng sớm càng tốt, tránh càng xa càng tốt. Các nghiên cứu đã cho thấy khoảng 45% lượng thành phần này sẽ thấm trực tiếp vào da sau khi bôi, tuy không cụ thể chứng minh được có gây ra tác hại gì cho thai nhi hay không nhưng đó cũng là 1 lượng hoá chất quá lớn thấm vào máu chúng mình (và máu nuôi em bé) nên tốt nhất là dẹp nhé!




3. Phthalates

Là loại hoá chất phổ biến được sử dụng để tăng độ mạnh, hiệu quả của các thành phần khác trong công thức của các sản phẩm làm đẹp, như nước hoa, dầu gội đầu, sữa lắm, sơn móng tay, ...

Cần tránh các thành phần như BzBP, DBP, DEP, DMP, hoặc diethyl, dibutyl, hoặc benzylbutyl phthalate

Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra được một số vấn đề về việc sử dụng phthalates trong các sản phẩm làm đẹp phổ biến và các rủi ro về sức khoẻ liên quan khi sử dụng như huyết áp cao, tăng động giảm tập trung, tiểu đường, v.v.. Các nghiên cứu mới nhất cũng chỉ ra được mối liên quan giữa việc tiếp xúc với phthalate và sự phát triển bất thường của thai nhi. Thế nên để yên tâm nhất, các mẹ hãy dùng các sản phẩm có nhãn mác phthalate-free nhé!




4. Formaldehyde

Thường được viết trong các bảng thành phần dưới những cái tên như formaldehyde, quaternium-15, dimethyl-dimethyl (DMDM), hydantoin, imidazolidinyl urea, diazolidinyl urea, sodium hydroxymethylglycinate, and 2-bromo-2-nitropropane-1,3-diol (bromopol)

Các tổ chức cha mẹ ở Mỹ trong những năm gần đây đã chiến đấu thành công để loại bỏ formaldehyde ra khỏi rất nhiều các sản phẩm chăm sóc cơ thể, đặc biệt những loại dành cho trẻ em. Nhưng thành phần này - một tác nhân gây ung thư đã được chứng minh - vẫn được tìm thấy rất nhiều trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể cho người lớn như thuốc uốn / nhuộm / làm thẳng tóc, sơn móng tay và keo dính mi giả. Một thành phần cần tránh trọn đời luôn, không chỉ khi bầu bí nhé ạ!



5. Hydroxy acids

Còn được biết đến dưới tên AHA, BHA, Salicylic acid, 3-hydroxypropionic acid, trethocanic acid và tropic acid.

BHA thường có mặt trong các sản phẩm trị mụn; AHA trong các sản phẩm chống lão hoá. Tuy nhiên các mẹ bầu nên tránh những sp có thành phần này. AHA có thể dùng lượng nhỏ < 2% nhưng BHA thì nên tránh càng nhiều càng tốt do BHA (salicylic acid) dạng thuốc uống đã được nghiên cứu chứng minh việc gây ra những khiếm khuyết của thai nhi & những biến chứng khác trong thai kỳ. Mặc dù sử dụng với liều thấp và với tần suất rất ít trong thai kỳ không để lại biến chứng/ hậu quả gì đặc biệt nhưng đa số các bác sĩ vẫn khuyên nên tránh trong thời gian bầu bí nếu chỉ vì mục đích làm đẹp.




6. Kem chống nắng hoá học

Là các loại kem chống nắng có thành phần chứa Avobenzone, homosalate, octisalate, octocrylene, oxybenzone, oxtinoxate, menthyl anthranilate và oxtocrylene.

Cần tránh việc tiếp xúc với ánh mặt trời trực tiếp, kéo dài trong thời gian mang bầu. Nhưng nếu không thể, nhất định các mẹ phải thoa kem chống nắng để đảm bảo cả sức khoẻ & làn da. Các mẹ bầu, cũng như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chỉ nên sử dụng kem chống nắng vật lý (với thành phần gồm titanium dioxide và zinc oxide) thay vì kem chống nắng hoá học - do KCN hoá học sẽ thấm thẳng vào máu chúng mình và có thể đem theo một số rủi ro trong thai kỳ và khiếm khuyết thai nhi.




7. Toluene

Hãy tránh xa các thể loại sơn móng tay với các thành phần mang tên methylbenzene, toluol hoặc antisal

Đa số các loại sơn móng tay bình dân đều chứa toluene, 1 tác nhân gây ung thư, cùng với phthalates và formaldehyde. Cùng với nhau, bộ ba chết chóc này là một sự kết hợp siêu đáng sợ độc hại mà chúng mình cần tránh xa, đặc biệt trong thời kỳ bầu bí. Tin vui là càng ngày càng có nhiều sản phẩm sơn móng tay cao cấp loại bỏ những thành phần độc hại rồi, các mẹ bầu bí hãy để ý khi sử dụng nhé!




8. Ammonia

Thường có mặt trong các sản phẩm nhuộm / uốn tóc.

Tuy không có hại gì trực tiếp tới thai nhi (được chứng minh), nhưng các sp này thường mang theo rủi ro về phản ứng không tốt cho hô hấp / da liễu của mẹ bầu đang rất nhạy cảm trong thời kỳ này. Nên để cẩn thận hết sức hoặc là người có tiền sử bệnh/ nhạy cảm về hô hấp và da liễu, chúng mình cũng nên tránh.





9. Thioglycolic acid

Thường có trong các sản phẩm kem tẩy lông

Được biết đến dưới những cái tên khác như acetyl mercaptan, mercaptoacetate, mercaptoacetic acid và thiovanic acid

Thioglycolic acid là hoạt chất được tìm thấy trong đa số các loại kem tẩy lông. Tuy chưa có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh được hệ luỵ trực tiếp của việc sử dụng chất này lên thai nhi, nhưng Liên Minh Châu Âu đã ra lệnh giới hạn lượng thioglycolic acid sử dụng trong các sản phẩm chỉ còn 5% trong khi các sản phẩm ở các quốc gia khác có thể lên cao tới 15-20%. Nên nếu cẩn thận chúng mình cũng nên cân nhắc trước khi sử dụng.




10. Botulinim toxin

Hay còn gọi là Botox

Đơn giản vì loại hoá chất sử dụng trong quy trình Botox là botulinim toxin, hoạt động bằng cách làm tê liệt các búi cơ xung quanh các nếp nhăn để chúng không hiện ra rõ rệt nữa, nên chúng mình cũng nên cân nhắc khi sử dụng cùng lúc có bầu nhé.




11. BPA

BPA, hay bisphenol A, được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm nhựa & bao bì các sản phẩm chăm sóc cơ thể/ làm đẹp từ những năm 1960s nhưng càng ngày càng trở nên kém được ưa chuộng do mang theo rất nhiều rủi ro về sức khoẻ cho người sử dụng. BPA là một hoá chất thiếu bền vững, và có thể thẩm thấu, thấm vào bất kỳ các sản phẩm nào khác tiếp xúc với chúng. Nó có thể gây rối loạn hệ nội tiết, có thể dẫn tới ung thư vú, vô sinh, bệnh tim mạch, tiểu đường, v.v.. . Các mẹ bầu nên tuyệt đối tránh xa do đã có nghiên cứu khoa học chứng minh được sự liên quan của việc thai nhi tiếp xúc với BPA và các vấn đề về phát triển & hành vi (tuy còn gây nhiều tranh cãi)




12. Paraben

Thường được sử dụng làm chất bảo quản trong các sản phẩm làm đẹp do khả năng ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn có hại, nhưng đây là thành phần các mẹ bầu nên tránh. Do hoá chất này có đặc tính estrogen yếu, nên có thể để lại ảnh hưởng không tốt lên sự phát triển của các em bé trai trong bụng mẹ. Nên tốt nhất là tránh nhé các mẹ!




13. Sodium Lauryl Sulfate

Thêm 1 thành phần nữa thường được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể dưới tên viết tắt là SLS.  Ở nồng độ cao, cơ thể chúng mình không thể phân tán và giải tán hoá chất này, sự tích tụ lâu ngày có thể gây nên các vấn đề cho hệ thần kinh, các chức năng của thận & gan nữa.




14. Peroxide

Nếu bạn thường xuyên làm trắng răng thì nên dừng lại trong thời gian bầu bí. Do các mẹ bầu thường có lợi nhạy cảm hơn trong thời kỳ bầu bí (do nhiều máu chảy tới khoang miệng hơn), thậm chí gây viêm lơi, các bệnh về răng miệng thời kỳ này, nên việc sử dụng các sp làm trắng răng (như miếng dán/ khay ngậm) chứa peroxide rất có thể khiến thành phần này ngấm vào máu mẹ bầu và gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Chúng mình nên đánh răng sạch sẽ, dùng chỉ tơ nha khoa và tới bác sĩ khám răng trong thời kỳ này là được. Các hoạt động thẩm mỹ răng nên đợi sau.




15. Chất tạo mùi & tạo màu

Không mang tính sống / còn nhưng tớ nghĩ đây cũng nên bổ sung vào danh sách các thành phần cần tránh. Do thời kỳ này khứu giác của chúng mình hoạt động rất mạnh mẽ, da & cơ thể cũng trở nên đặc biệt nhạy cảm, dễ kích ứng, dễ dị ứng vô cùng, nên tốt nhất cần tránh xa các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp & cơ thể có mùi quá nặng & màu quá đậm. Các loại có màu & mùi nhân tạo cũng thường được cấu thành bởi các hoá chất có hại như parabens, benzene, aldehydes, parfum, perfume, linalool, limonene, eugenol, citronellol, geraniol or cinnamal, v.v.. có nguy cơ dẫn tới ung thư và các vấn đề về hệ thần kinh hoặc ngắn hạn hơn là nôn nao, kích ứng, mẩn đỏ. Nên tốt nhất hãy tạm tránh xa nhé các mẹ!





Một thai kỳ khoẻ mạnh tất nhiên sẽ được quyết định bởi rất nhiều yếu tố kết hợp, nhưng theo tớ, quan trọng nhất là việc MẸ PHẢI KHOẺ & VUI. Các tác hại liên quan tới những thành phần nêu trên cũng chưa được khẳng định tuyệt đối, và thường chứng minh được sự liên quan khi người sử dụng / các nhà khoa học thử nghiệm với một nồng độ rất cao. Các mẹ đừng quá lo âu, mất ăn mất ngủ, cảm giác tội lỗi nếu có đang dùng 1 vài sản phẩm nào đó có những thành phần trong list này nhé! Vì dừng từ bây giờ vẫn chưa là quá muộn, và thậm chí có dùng tất cả các chất xuyên suốt thai kỳ cũng không chắc chắn sẽ đem lại hậu quả tồi tệ. Chỉ là càng cẩn thận thì chúng mình càng yên tâm thôi. Chúng mình ai chẳng muốn điều tốt nhất cho em bé nhỉ?

Ngoài ra nếu mọi người muốn tham khảo thêm một số tips khác để khoẻ, vui, xinh trong thai kỳ, thì hãy xem tiếp những clip/ bài viết này của bọn tớ nhé!

  • Chuẩn bị cho Bầu Bí: Sức khoẻ - Kiến thức - Y tế  (link)
  • Chuẩn bị gì cho bầu bí? Diệp & Loan (link)
  • Chăm sóc da khi bầu bí (link)


Ngoài ra, nếu các mẹ muốn tư vấn cụ thể hơn về các sản phẩm làm đẹp/ chăm sóc cơ thể thời kỳ bầu bí, cứ inbox ngay cho shop nhỏ của chúng tớ nhé! (link)

Chúc chúng mình luôn xinh, khoẻ, hạnh phúc!


Yêu yêu,
Tớ Diệp.


Nguồn tài liệu tham khảo:

.Concentrations of the Sunscreen Agent Benzophenone-3 in Residents of the United States: National Health and Nutrition Examination Survey 2003–2004 (link)
.Oxybenzone in Your Sunscreen – Is it Dangerous? Does It Cause Cancer? (link)
.Abstract for TR-568 - Retinoic Acid and Retinyl Palmitate (link
.Sunscreens: are they beneficial for health? An overview of endocrine disrupting properties of UV-filters (link)
.In vitro and in vivo estrogenicity of UV screens. (link & link)
.Endocrine activity and developmental toxicity of cosmetic UV filters--an update. (link)
.Concentrations of the sunscreen agent benzophenone-3 in residents of the United States: National Health and Nutrition .Examination Survey 2003--2004. (link)
.Causal agents of photoallergic contact dermatitis diagnosed in the national institute of dermatology of Colombia. (link)
.Reactive oxygen species: role in the development of cancer and various chronic conditions (link)


Những bài viết của L@1S là do bọn mình tự tìm hiểu, tổng hợp và hệ thống lại để đưa ra chia sẻ với bạn đọc theo một cách L@1S nhất . Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm và đọc bài. Mọi vấn đề liên quan đến cộng tác hay sử dụng lại một phần hoặc toàn bộ nội dung bài viết, mời các bạn liên hệ với chúng mình tại địa chỉ emai loveat1stshine@gmail.com. Các bạn hoàn toàn có thể lưu lại với mục đích tra cứu, tham khảo cá nhân, nhưng xin phép đừng sử dụng hoặc đăng tải lại dưới bất kì hình thức nào và tại bất kì địa chỉ nào khác. 
Cảm ơn các bạn rất nhiều.


3 comments

  1. Hi các chị ơi, hiện tại em đang dùng 1 số sản phẩm này và kế hoạch 3 tháng nữa sẽ có em bé. Em đã tìm hiểu và cũng hỏi nhiều chỗ nhưng nhiều ý kiến trái chiều quá. Hai chị có thể tư vấn giúp em những sản phẩm nào dùng đc và ko dùng đc khi bầu ko ạ? Em cảm ơn 2 chị và chúc 2 chị 1 ngày vui~~~

    - T.O lactic acid 10%
    - T.O HA + B5
    - Srm Laroche posay
    - Srm Corsx
    - Dầu TT Graymelin Camola crazy
    - Neutrogena water gel
    - dưỡng môi carmex
    - kem chống nắng Make p:rem

    ReplyDelete
  2. Chào bạn mình chia sẻ với bạn dòng máy đẩy tinh chất rất tuyệt vời ageloc boost
    bạn hãy xem review và trải nghiệm sản phẩm tuyệt vời này nhé

    mình thấy rằng sản phẩm này rất tốt và phù hợp với nhiều loại ra bạn có thể xem ageloc boost review
    Nếu bạn quan tâm tới sản phẩm hoặc muốn tham khảo ageloc boost giá bao nhiêu thì hãy nhắn tin cho mình nhé

    ReplyDelete

search