Powered by Blogger.

Diep's Pregnancy Essentials - Tiêm, Khám, Sức Khỏe

Hế lu cả nhà! Đã lâu không ghé blog viết linh tinh, thế mà thi thoảng vẫn nhận được các tin nhắn thủ thỉ, hỏi han sức khoẻ tớ và em bé của mọi người, tớ cảm động lắm lắm í. Hứa hẹn về một bài viết chia sẻ một số kinh nghiệm chuẩn bị cho bầu bí  sau clip Dưỡng Da Cho Mẹ Bầu từ lâu rồi mà chưa trả nợ, hôm nay tớ quyết cắm rễ ngồi đây type cho xong để gửi chị em nè. Cả nhà cùng đọc với tớ cho vui nhé! (Hoặc ai đó có kinh nghiệm gì khác cũng đừng ngại chia sẻ ở dưới phần comment để chúng mình cùng học hỏi với nhau luôn nhé!)





Vì lê thê mãi chưa hoàn thành được, lại sợ dài quá, nên tớ xin phép chia ra thành nhiều hạng mục. Phần bài viết hôm nay sẽ chuyên về chăm sóc sức khỏe, y tế cho mẹ trước, cũng là phần tớ thấy quan trọng nhất, nên chúng mình cùng bắt đầu nha!

1. Tiêm phòng



Vì cả hai vợ chồng tớ đều đã có kế hoạch sinh em bé vào năm 2017, lại là con của một gia đình toàn bác sĩ nên cả nhà dành rất nhiều thời gian vào khâu chuẩn bị, và trong các bước chuẩn bị, thì ưu tiên số 1 của tất cả chính là Sức Khoẻ.

Làm đám cưới xong, bọn tớ đã lên đường kiểm tra sức khoẻ toàn thân, sức khoẻ tiền sản, và đi xin tư vấn về những loại tiêm phòng cần thực hiện trước khi có em bé. Quan trọng và ưu tiên nhất theo tớ biết là mấy mũi tiêm này:

  • Vắc xin 3-trong-1 Sởi-Rubella- Quai Bị
Đây là một mũi tiêm rất quan trọng, và phải tiêm sớm từ khi bố mẹ có kế hoạch chuẩn bị có em bé, trước thai kì ít nhất là 3 tháng. Tại sao vắc-xin này quan trọng? Vì nếu không may mẹ bị Rubella trong thời kì mang thai, sễ rất dễ bị thai lưu, sảy thai hoặc gây chậm phát triển trí não, thể lực, mù câm điếc, dị tật ở tim cho em bé, rất kinh khủng :( Tớ đã có một người bạn không may bị rubella trong thai kỳ nên sợ vô cùng, nghiêm túc chấp hành. Các mẹ cũng nên lưu ý vắc xin này không được phép tiêm trong thai kỳ do được làm từ virus sống giảm động lực, có thể ảnh hưởng đến em bé trong bụng như nhiễm bệnh. Tuy nhiên nếu không kịp tiêm mũi này, thì mẹ cũng không nên quá lo lắng, chỉ cần giữ gìn sức khỏe cẩn trọng, tránh xa những nguy cơ truyền bệnh cũng ok thôi ạ. 

  • Vắc - xin cúm
Cúm là một vấn đề sức khoẻ tưởng như rất thường. Nhưng đối với mẹ bầu, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thì cúm siêu nguy hiểm. Cúm gây mệt mỏi, và nếu diễn biến nặng hoặc kéo dài sẽ dẫn tới sứt môi, hở hàm ếch, các dị tật bẩm sinh khác cho con. Do vắc xin cúm là vắc xin theo mùa (do mỗi mùa lại có 1 loại virus cúm mới) và từ các virus đã chế nên các mẹ cứ tiêm ngay trước khi có kế hoạch mang bầu đều được. Hình như ở nước ngoài còn cho tiêm luôn trong thai kỳ nữa :D

Ngoài ra, tớ còn tiêm:
  • Vắc xin HPV
Tác dụng chính là để ngừa ung thư cổ tử cung. Thực ra cái này tớ tiêm hơi bị muộn, do tới 26 tuổi và sexually active rồi thì tác dụng của vắc xin chỉ giảm còn ở mức 55%. Vắc xin này là một chuỗi gồm 3 mũi kéo dài 6 tháng - 1,5 năm (tuỳ phác đồ do bác sĩ kê cho). Nhưng vì cứ thích yên tâm nên tớ vẫn cố tiêm trước khi có em bé. Nên nếu được các chị em nào còn trẻ, thì tớ khuyên hãy tiêm ngay và luôn khi có thể. Ở nước ngoài họ còn đưa vào chương trình y tế học đường, các trẻ em cấp 2 độ tuổi 14-16 tuổi đã được tiêm bắt buộc luôn rồi cơ í


Tiêm ở đâu?
Vì nhà gần và được bố mẹ highly recommend nên tớ toàn thẳng tiến Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc - Hà Nội trực thuộc viện Vệ sinh Dịch Tễ Trung Ương. 




Ở đây có cả website rất nhiều thông tin, kèm bảng cập nhật thuốc tiêm cho các mẹ cầu kỳ thích chọn vắc-xin được cập nhật hàng ngày nhé (http://yteduphong.com.vn/tieng-viet/tin-tuc/ban-tin-trung-tam/danh-muc-vac-xin-tai-trung-tam-tiem-chung-131-lo-duc-ha-noi-c3456i9997.htm)

Trung tâm tiêm chủng này rong tuần hay cuối tuần đều đông, nhưng quy trình lại nhanh gọn nhẹ, chuyên nghiệp vô cùng, các chị y tá cũng tiêm rất nhẹ nhàng dễ thương nên lần nào tiêm xong tớ cũng thấy  thoải mái. Chỉ cần đến tầm 8h-9h sáng là được tiêm rất nhanh, không phải đợi chờ lâu la gì cả. Tớ là một đứa nhát như cáy, siêu sợ tiêm, mấy lần đầu còn phải bám tay chồng (huhu, rất hèn!), nhưng tới lần 2 lần 3 là bình tĩnh dũng mãnh xông pha luôn rồi. Trước khi tiêm phải cũng phải chờ tới lượt nhưng hầu như là nhanh, ngắm các em bé xung quanh đứa nào cũng xinh yêu nên thấy thời gian trôi vèo ấy! Sau khi tiêm các mẹ nhớ ngồi đợi 30' nghiêm túc như bác sĩ dặn rồi hẵng về nhé.

2. Kiến thức chuẩn bị cho bầu bí, nuôi con

Huhu, hạng mục mênh mông nhất trong tất cả các hạng mục chính là đây.
Có rất nhiều nguồn mà các bố mẹ có thể tham khảo, từ sách, từ các website uy tín, từ các bác sĩ, từ họ hàng nội ngoại, từ các diễn đàn, từ bạn bè,... hoặc từ tất cả các nguồn cùng kết hợp. Vì là lần đầu chuẩn bị có em bé, nên cả 2 vợ chồng tớ cũng có khá nhiều thời gian nghiên cứu, mày mò đọc & học. Nhìn chung, các kiến thức trong sách vở nước ngoài đều cập nhật và thống nhất, na ná nhau, chỉ khác về giọng văn, cách trình bày, độ chi tiết.

Tớ thấy có một điều hay rằng: do việc mang thai là 1 quá trình gồm những thay đổi, phát triển rất khoa học, có trình tự, nên việc tham khảo hầu như là đơn giản - do các nguồn thường không đối chọi nhau hoặc gây nhiều tranh cãi, cứ kiến thức khoa học y học ốp vào là ra (không giống như việc nuôi con phải tuỳ theo trường hợp từng em bé!). Mình chỉ cần chăm đọc là có thể tự giải thích được hầu hết các thay đổi trên cơ thể bản thân.

Một số địa chỉ tớ rất thích (huhu rất xin lỗi vì list của tớ toàn những nguồn thông tin bằng Tiếng Anh vì tớ chưa đọc cuốn nào tiếng Việt thật ưng ý, các mẹ biết thì mách cho tớ với nhé):

Một số cuốn sách tớ đang đọc đợt này
  • Mayo's Guide to a Healthy Pregnancy - SÁCH 
Trời ơi bách khoa toàn thư cho 1001 thay đổi, vấn đề thời kỳ bầu bí là ở đây hết. Cuốn sách được viết bởi 1 nhóm bác sĩ đã trải qua thời kỳ bầu bí, làm cha mẹ nên giọng văn vừa khoa học, dễ hiểu, trực diện lại rất gần gũi, thân thiện với mẹ bầu. Sách có nội dung vừa rộng vừa sâu, từ khi bố mẹ lên kế hoạch có em bé cần "canh trứng" để thành công, trải qua 40 tuần thai với đủ các loại thay đổi trên cơ thể mẹ từng tuần, các xét nghiệm, vấn đề sức khoẻ có thể xảy ra, các hình thức can thiệp điều trị phổ biến, các bài tập sức khoẻ, cho tới khi em bé ra đời - tất cả đều được giải thích cực kỳ chi tiết và dễ hiểu.

Tớ rất thích cuốn sách này ở chỗ nhìn mục lục thôi cũng đã biết cái mình cần tìm, cần đọc ở đâu. Đọc tuần tự cũng ok vì các kiến thức được sắp xếp rất logic, hợp lý; mà sốt ruột quá chỉ muốn đọc các chủ đề riêng cũng tìm dễ dàng. Cách lý giải các vấn đề y học cũng đủ đơn giản để bố mẹ hiểu được, và dặn dò rõ ràng xem cái gì cần lo lắng, cái gì không cần thiết. Cứ có vấn đề gì là tớ lại mở ra đọc đọc một lúc, là yên tâm liền.

Cuốn sách này đối với tớ như là phần xương sống, kim chỉ Nam của hệ thống kiến thức cần biết/ cần học trong thời kỳ bầu bí mang thai í. Từ đó tìm kiếm thêm các thông tin chi tiết hơn từ các nguồn khác dễ dàng hơn rất nhiều. 

Giao diện WebMD
  • WebMD - Health & Pregnancy Health Center

Là một thư viện đồ sộ chuyên xuất bản các bài báo/ thông tin chính thống, có nguồn gốc rõ ràng, dựa trên các nghiên cứu khoa học về sức khoẻ nói chung. Tớ không vào đây rồi lần mò đọc theo chủ đề, mà thường google các vấn đề riêng của bản thân khi tự dưng gặp phải, và sẽ chọn link dẫn từ webmd để đọc.

Ví dụ: Khi băn khoăn về các sản phẩm làm đẹp sử dụng được lúc bầu bí, tớ sẽ google "Cosmetic pregnancy webmd" - và đọc các link hiện ra. Tương tự như thế với 1001 câu hỏi khác tớ hay có như Ăn gì khi Bầu bí, Tập gì cho an toàn khi bầu bí, Khi nào thì mẹ thấy em bé cử động trong bụng,.... lúc nào nguồn đầu tiên tớ tìm cũng sẽ là webmd hết.

Ưu điểm của webmd đó là dễ dàng tìm đọc online, và thông tin trong các bài thường rất chi tiết, cụ thể, đọc xong là thấy mình đã được nạp đầy đủ thông tin cần thiết, rất yên tâm vững lòng.

Giao diện BabyCenter
  • Babycenter.com
Link: https://www.babycenter.com/
Là một website chuyên tổng hợp kiến thức cho mẹ & bé. Lần đầu tiên vào web các mẹ có thể đăng ký tài khoản riêng cho mình với các thông tin về thai kỳ (email, tuổi thai, tuổi mẹ, cân nặng lúc chưa mang bầu, giới tính con, v.v..) rồi sau đó web sẽ tự động gửi email cập nhật hàng tuần về hộp thư của mẹ. Ngoài những thông tin cơ bản như những phát triển của thai nhi theo từng mốc tuần, thì email cũng sẽ recommend thêm các bài đọc liên quan (phụ kiện cho mẹ, list đồ cần chuẩn bị cho bé, v.v…) để mẹ tìm hiểu thêm. Ngoài ra web cũng là 1 thư viện đồ sộ đủ các loại thông tin tin cậy sẵn sàng trả lời cho các thắc mắc bất chợt của mẹ. Mục diễn đàn Community của web cũng là nơi mình thích ghé đọc, nghe các chia sẻ của các mẹ về những vấn đề chung (các vấn đề của em bé trong bụng, những triệu chứng bất thường, …)

  • The Bump (app)
      
Một số ảnh chụp màn hình từ app

logo của app

       Là một app rất xinh đẹp và nhiều thông tin ngắn gọn, thân thiện trên điện thoại, có thể down về miễn phí từ App Store. Tớ rất thích app này vì có các thông tin cập nhật hàng tuần về sự thay đổi của cơ thể mẹ, những phát triển của em bé, hình ảnh 3D tương tác siêu sống động dễ thương, cực hữu ích cho các bố mẹ lần đầu có em bé. Các kiến thức trong này đều rất dễ hiểu, không quá dài, phù hợp cho các bố lười đọc sách (như chồng tớ). Các mẹ chỉ cần cài vào điện thoại các bố là cứ đến ngày app sẽ thông báo thông tin mới về sự phát triển của con, những khó chịu mà các mẹ đang gặp, thế là các bố sẽ hiểu hơn và hiểu cách giúp đỡ được hai mẹ con thiết thực hơn. 
  • Các diễn đàn, blog, chia sẻ từ bạn bè, người thân

Đây cũng những kênh dễ tìm, dễ đọc, dễ tham khảo nhất cho các mẹ vì tính gần gũi cao.

Nhưng hãy nhớ tham khảo nhiều nguồn, nếu cẩn thận hơn hãy xác minh lại thông tin trước những lời khuyên từ các kênh này nhé! Giống như chọn mua mỹ phẩm cũng vậy, mỗi người có một cơ địa, một nhu cầu, tình trạng riêng, nên chúng mình cứ tham khảo đầy đủ nhất rồi đưa ra lựa chọn tỉnh táo cho riêng mình ạ. Cá nhân tớ thích tìm đến những kênh này khi cảm thấy bất an, lo lắng. Chọn đọc những chia sẻ tích cực xong sẽ thấy tinh thần ổn lên rất nhiều!

Một trong những kênh tớ rất thích gồm có Mầm Nhỏ - chia sẻ những kiến thức về bầu bí, nuôi con, chăm con, và review các sản phẩm cho mẹ & bé rất thân thiện và đa dạng.
  • Các bác sĩ sản
Bên cạnh những nguồn thông tin nêu trên – nơi chúng mình có thể thoải mái chủ động tìm kiếm khi cần, đừng quên người bạn đồng hành quan trọng bậc nhất trong thai kì của các mẹ không ai khác chính là các bác sĩ sản!

Đoạn này lại mở ra một mục khác không kém phần quan trọng, nên tớ sẽ tách tiếp ra một phần riêng nhé


3. Lựa chọn bác sĩ sản

Có rất nhiều cách để tìm hiểu & lựa chọn các bác sĩ sản cho riêng mình. Thông thường nếu không phải quen biết gần gũi, thì các mẹ có thể tìm hiểu từ kinh nghiệm những mẹ bầu đã khám trước, hoặc research trên mạng dựa vào các link giới thiệu các bác sĩ sản uy tín trong khu vực. 

Theo tớ, dù lựa chọn bác sĩ sản theo cách nào, lựa chọn ai, cũng không quan trọng bằng sự kiên trì và tuân thủ thăm khám đúng lịch hẹn của bác sĩ. Theo dõi thai kỳ là một quá trình kéo dài, và các kết quả, chẩn đoán, dự đoán chỉ có thể chính xác nếu bác sĩ là người nắm được những thay đổi, tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và em bé liên tục. Thế nên nhấn mạnh là các mẹ phải thật tin tưởng, kiên trì, tuân thủ. Việc bác sĩ nắm được cả một quá trình phát triển của em bé sẽ rất có ích trong việc đưa ra được những lời khuyên, phương án điều trị phù hợp và chính xác nhất khi cần thiết ạ.

Tớ theo khám tất cả là 2 bác sĩ, 1 là bác sĩ Trần Danh Cường chuyên về chẩn đoán trước sinh và siêu âm tại viện sản C. Vì bố chồng tớ cũng làm trong ngành Y, từng dạy BS Cường thời đại học và giờ là đồng nghiệp nên lúc nào cũng đánh giá BS là số 1 trong ngành, nên lúc đó tớ cũng không mất công tìm hiểu lựa chọn nhiều, cứ thế theo chỉ định đi siêu âm 1 tháng/lần ở phòng khám 12 Tôn Thất Thiệp của bác. BS Cường thì siêu nổi tiếng luôn rồi, chỉ cần google đủ họ tên là ra cả trăm ngàn kết quả từ xa xưa các mẹ bầu chia sẻ về bác (hầu như toàn các mẹ hỏi xem bs đáng sợ đến đâu haha) :D BS Cường khá khó tính, ít nói nhưng rất nhanh, nhạy, và giỏi; có một số yêu cầu cụ thể cho các mẹ bầu khi đến khám như phải đặt lịch trước 3 ngày, khi đi siêu âm phải mặc quần áo thay vì váy, trước khi vào phòng khám thì tắt điện thoại, không được bỏ hẹn, không được hỏi giới tính (thực ra có hỏi bác cũng không nói - tuân thủ đúng Nghị định 114/2006/NĐ-CP) … nghe có vẻ khó khăn nhưng tớ thấy rất hợp lý và tuân thủ được, không khó khăn gì. Trong thai kỳ của tớ có 1 quãng thời gian em bé có gặp chút vấn đề về sức khỏe phải chuyển lên Trung tâm Chẩn đoán Trước sinh Viện sản C (giám đốc Trung tâm cũng là bác Cường luôn) để theo dõi thêm, nhà tớ có lo lắng quá nên cũng đi hội chẩn khám tiếp ở vài viện nữa để tham khảo, nhưng càng khám càng loạn, cuối cùng kết quả lại đúng như những gì bác sĩ Cường dự đoán. Nên lại càng thêm tin tưởng vào tài năng, kinh nghiệm của bác ấy. Tuy nhiên BS Cường chỉ chấp nhận theo dõi thai kỳ nếu mẹ bầu bắt đầu sớm từ mốc 12 tuần, và không bỏ hẹn trong suốt thời kỳ mang thai. Có 3 mốc siêu âm cực kỳ quan trọng là 12 tuần - 22 tuần - 32 tuần. Ngoài ra có thể sẽ cần siêu âm thêm nếu bác sĩ xếp lịch dặn khám. Nếu lỡ bỏ hẹn 1 buổi hoặc bắt đầu muộn hơn mốc 12 tuần, BS sẽ không cho theo khám tiếp. Kỉ luật thép ạ huhu

Bên cạnh lựa chọn 1 bác sĩ theo dõi sức khỏe thai nhi qua siêu âm, thì tớ còn đi khám thêm 1 bác sĩ nữa là bác sĩ Khanh ở 87 Nguyễn Du (bác thường khám 5h30-7h30 chiều t2 và t6) về các vấn đề khác cho mẹ bầu trong suốt quá trình mang thai. Các routine khám ở đây sẽ có xét nghiệm nước tiểu (xác định viêm nhiễm, lượng đường thai kỳ,…), theo dõi cân nặng, huyết áp, đo vòng bụng, khám phụ khoa cho mẹ. Tần suất khám cũng 1 tháng/1 lần. Tại sao đã siêu âm rồi còn phải đi khám thai thêm như thế này? Vì bên cạnh việc con phát triển bình thường, đối với người lần đầu làm mẹ như tớ thì lúc nào cũng thấy có 1000 thắc mắc – dấu hiệu này là gì? Khó chịu mệt mỏi thế này có sao không? Cần làm gì thêm uống gì thêm? Thì bác sĩ này sẽ là người trả lời hết các câu hỏi cho chúng mình. Tùy vào từng mốc thời gian, dựa vào các xét nghiệm, các kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ kê thêm cho mẹ thuốc bổ sung như Sắt, Canxi theo đúng liều từng mẹ (2 loại này nếu uống lung tung không có chỉ dẫn cũng rất nguy hiểm – có thể ngăn cản sự hấp thụ của nhau, gây vôi hóa chậm phát triển cho con,….); thuốc điều chỉnh nội tiết tố (nếu cần); và dặn đi tiêm theo đúng lộ trình khi tới ngày tháng (như tiêm Uốn Ván). Các vấn đề về sức khỏe như chóng mặt, buồn nôn, ngứa ngáy, … các mẹ cũng có thể trình bày ở đây với bác sĩ, để bác sĩ hỗ trợ, đưa ra lời khuyên giúp đỡ. Vì bác sĩ sẽ là người theo dõi sức khỏe thai kỳ của mẹ liên tục trong suốt 9 tháng 10 ngày, nên đến tận giây phút lên giường đẻ, nếu cần chỉ định của bác sĩ về việc đẻ mổ cấp cứu hay đẻ thường chẳng hạn, bác sĩ cũng có thể đưa ra quyết định, tư vấn phù hợp nhất với sức khỏe của mẹ. Thế nên tớ cũng khuyên nếu được, các mẹ nên quyết định sớm nơi đẻ của mình, và chọn bác sĩ theo dõi thai kỳ làm việc ở chính cơ sở y tế đó luôn là chuẩn nhất! Để đến lúc đi đẻ mình yên tâm được là bác sĩ ấy có thể tham gia vào hỗ trợ nếu cần.

4. Thuốc uống thời kỳ bầu bí


Một số loại thuốc tớ uống
Về dinh dưỡng, các chất cần bổ sung từng giai đoạn thời kỳ bầu bí, chỉ cần google đơn giản là ra rất nhiều thông tin nên tớ xin phép không nhắc lại ở đây nữa.  Tớ chỉ muốn nhấn mạnh là trong 3 tháng đầu, thì  Folic Acid rất quan trọng cần bổ sung để tránh các dị tật về ống thần kinh, sẩy thai, đứt môi, đông máu, tim bẩm sinh,... Nếu được các mẹ nên bổ sung ngay folic acid qua đường thuốc từ khi lên kế hoạch có em bé - nói chung sớm nhất có thể. Thực ra các thực phẩm rau lá màu xanh sẫm cũng chứa nhiều folic acid, nên các mẹ cứ ăn uống đầy đủ cân bằng hàng ngày thì không cần quá lo lắng nếu lỡ không uống thêm thuốc này trong 3 tháng đầu thai kỳ đâu ạ.

Một số các vitamin khác cần bổ sung như:
-          400 micrograms (mcg) of folic acid.
-          400 IU of vitamin D.
-          200 to 300 milligrams (mg) of calcium.
-          70 mg of vitamin C.
-          3 mg of thiamine.
-          2 mg of riboflavin.
-          20 mg of niacin.
-          6 mcg of vitamin B12.
-          10 mg of vitamin E.
-          15 mg of zinc.
-          17 mg of iron.
-          150 micrograms of iodine

Hầu hết đều có mặt đủ trong các viên uống vitamin tổng hợp cho mẹ bầu như Elevit Prenatal Tablets, Blackmores Pregnancy & Breastfeeding Gold, Nature’s Made Prenatal Multi + DHA… Tớ đã chọn uống Elevit vì dễ mua ở VN, và thành phần hàm lượng đều ghi rõ ràng ở sườn hộp, từ đấy rất dễ cộng trừ để biết mình đang thiếu gì cần bổ sung thêm tùy thời điểm của thai kỳ. Sau khi uống hết 1 hộp Elevit, tớ có gặp vấn đề là bị quá táo nên chuyển sang một loại thuốc khác là Nature Made Prenatal Multi + 200mg DHA, cũng là 1 loại vitamin tổng hợp của Mỹ. Ưu điểm của loại này là kết hợp luôn cả vitamin bầu cùng DHA nên ko phải mua & uống 2 loại thuốc riêng lẻ nữa; và mừng nhất là tớ không còn bị táo hehe. Do các loại thuốc này hầu như đều được bán dưới dạng hàng xách tay, và cũng có fake, nên các mẹ hãy chọn những địa chỉ uy tín để mua nhé!

Tới trimester thứ hai, thứ ba thì lượng các chất cần cho cơ thể mẹ & bé cũng sẽ thay đổi theo. Ví dụ như ở trimester - tam cá nguyệt thứ hai, mẹ sẽ cần bổ sung thêm nhiều canxi để phát triển xương cho con, thêm sắt để sản sinh máu cho con. Nhưng cơ thể là một bộ máy rất kì diệu, trong thai kỳ sẽ luôn tìm cách ưu tiên mọi chất cho con trước, nên nếu cơ thể không đủ những chất này mẹ sẽ là người chịu thiệt chứ không phải con. Tuy nhiên, để xác định cơ thể có thiếu hay không thì bọn mình nên đi xét nghiệm máu, uống thuốc theo liều nào thì nên nghe lời bác sĩ để tránh những hậu quả nguy hiểm. 

Ví dụ: nếu bị thiếu canxi, con vẫn sẽ được ưu tiên huy động canxi của cơ thể mẹ để phát triển đầy đủ trước, chỉ có mẹ sau này sẽ loãng xương nếu không bổ sung đủ trong thai kì. Ngược lại, nếu bổ sung canxi bừa bãi gây thừa canxi, thì con lại dễ bị vôi hóa chậm phát triển, rất nguy hiểm


5. Ăn uống 




Chắc tớ cũng không cần viết nhiều phần này do thông tin trên mạng có nhiều rồi, google 1 cái là ra liền (link tham khảo:http://bit.ly/2ooyHDe ). Cá nhân tớ từ khi có bầu cũng tập trung chú ý hơn về khoản ăn uống, trước khi cho vào miệng cái gì cũng lập tức tư duy về thành phần của nó, và tự đặt câu hỏi xem nó có tốt cho mẹ và con không.

Bên cạnh những thực phẩm bắt buộc phải tránh như đồ có cồn, caffeine, thực phẩm chưa chín 100%,... tớ còn cố gắng tránh các loại đồ chiên rán - vừa ít dinh dưỡng lại dễ gây khó tiêu đầy bụng thời kỳ này. Huhu không biết các mẹ khác thế nào nhưng từ khi bầu bí tớ rất hay bị đầy bụng khó tiêu, khó chịu đầy hơi tới mất ngủ.

Các bữa nhỏ thay vì ăn nguyên cả chiếc bánh mì, xôi (quá nhiều tinh bột), bánh ngọt (nhiều đường) thì tớ chuyển sang ăn các loại hoa quả ít đường như dâu tây, kiwi, nho chua, hoặc các loại hạt rang khô, đỡ bị táo mà cũng lên cân trong tầm kiểm soát.

Có đợt 26 tuần ăn nhiều tinh bột và bánh ngọt nên xém bị tiểu đường sau sinh siêu sợ :(( Vì đối với lượng tinh bột và đường thông thường chúng mình vẫn ăn như khi chưa có bầu là đã có nguy cơ tiểu đường rồi do bộ máy chuyển hóa lúc này của cơ thể không còn giống như trước nữa. Lỡ bị tiểu đường thì sao? Nguy cơ tiền sản giật, sinh non, v.v.. cứ thế tăng vọt ạ.

Cố gắng ăn đầy đủ các bữa, không ăn quá no mỗi bữa, giảm lượng tinh bột, uống cực cực nhiều nước, và không ăn gần lúc ngủ - đợt nào làm trái lại mấy quy tắc này là lên cân trông thấy, lượng đường trong máu cũng cao vọt huhu.

Để tránh việc lên cân quá đà, các mẹ hãy nhớ mấy điều đơn giản sau (nếu đang mang bầu 1 bé):
  • Trong trimester đầu tiên, cơ thể chúng mình không cần thêm calories. Chỉ cần thay đổi thực đơn sang những món healthy ít béo, ít ngọt, ít tinh bột, đa dạng về chất hơn.
  • Trimester thứ hai, mẹ chỉ cần thêm 340 calories mỗi ngày so với khi chưa bầu
  • Trimester cuối cùng, mẹ cần thêm 450 calories mỗi ngày so với khi chưa bầu (tương đương 1 phần ăn tối ít béo ít tinh bột) 

Việc ăn uống khỏe mạnh, đều đặn thực sự làm mình thấy thoải mái và sức khỏe tốt lên nhiều. Da mặt cũng đẹp hơn, và em bé phát triển tốt hơn nữa. Nếu có bất kỳ loại thực phẩm nào các mẹ không thể ăn trong thời kỳ này (do nghén, do không tìm mua được,...) thì hãy hỏi tư vấn của bác sĩ để bổ sung thêm qua đường thuốc hoặc thực phẩm chức năng nhé!

6. Tập tành

Chắc đây là hạng mục mà tớ lười chú trọng nhất trong thời kỳ bầu bí huhu. Vốn đã là một đứa lười thể dục từ xưa rồi, nên khi có em bé thêm chút quyết tâm cũng không cải thiện được quá nhiều. Bên cạnh việc chăm vận động hơn trong giờ đi làm, tớ thường cùng chồng đi bộ quanh công viên Thống Nhất (1 tuần 3-5 lần), chăm vận động hơn trong giờ làm việc (leo lên leo xuống 4 tầng cầu thang, chủ động đi bộ đến những điểm gần,...) và tập Yoga nhẹ nhàng tại nhà. Các bác sĩ sản thường khuyên mẹ bầu nên chăm chỉ tập các môn thể thao có nhịp điệu (như bơi, đi bộ, yoga, pilates nhẹ nhàng) vì em bé rất thích những cử động lặp đi lặp lại đó.

Đây là 2 bài tập Yoga tớ rất thích và thấy vừa sức, dễ tập theo tại nhà, cả nhà có thể tham khảo nhé:




Nếu sắp xếp được, tớ cực kỳ recommend các mẹ bầu đi đăng ký học Yoga theo lớp để việc vận động tập tành có lịch trình ổn định, lâu dài. Có 1 địa chỉ tớ được bạn đọc Loveat1stshine recommend là Yoga Tâm Phúc, tớ chưa có cơ hội tới học trực tiếp nhưng mọi người ở khu vực quận Đống Đa có thể tham khảo nhé.

Rèn luyện thường xuyên và kiên trì đem lại siêu nhiều lợi ích cho mẹ và bé, quan trọng nhất cũng giúp mẹ có đầu óc thư thái, và cơ thể được chuẩn bị đầy đủ cho lúc lên bàn đẻ nữa. Nếu các mẹ đã có lịch trình tập tành đều đặn từ trước khi sinh, thì đó đã là một điểm xuất phát cực ổn cho thai kỳ rồi! Nhiều bạn bè tớ về dáng rất nhanh, bầu và đi đẻ dễ dàng khỏe mạnh cũng là nhờ tập thể dục điều độ một thời gian dài trước khi bầu bí í ạ. Rất buồn tớ là diện ...lười tập thể dục nên bây giờ phải cố gắng khắc phục thật nhiệt tình, vì mình không còn chỉ sống cho mình mình nữa :D

----------------------------------------------

Hú hú tạm thời là như thế ạ. Phần sau tớ sẽ chia sẻ thêm về những thứ essentials linh tinh khác cho thời kỳ bầu bí của tớ như các địa điểm mua quần áo, chỗ đi spa, list đồ chuẩn bị cho em bé của tớ nhé! Nếu có gợi ý gì thêm mọi người muốn cùng chia sẻ, đừng ngại comment ở dưới cho tớ nhé.

Yêu cả nhà,
Tớ Diệp.

Những bài viết của L@1S là do bọn mình tự tìm hiểu, tổng hợp và hệ thống lại để đưa ra chia sẻ với bạn đọc theo một cách L@1S nhất . Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm và đọc bài. Mọi vấn đề liên quan đến cộng tác hay sử dụng lại một phần hoặc toàn bộ nội dung bài viết, mời các bạn liên hệ với chúng mình tại địa chỉ emai loveat1stshine@gmail.com.Các bạn hoàn toàn có thể lưu lại với mục đích tra cứu, tham khảo cá nhân, nhưng xin phép đừng sử dụng hoặc đăng tải lại dưới bất kì hình thức nào và tại bất kì địa chỉ nào khác. 
Cảm ơn các bạn rất nhiều.

search