Powered by Blogger.

Kinh Nguyệt và So Sánh Chung Giữa Băng Vệ Sinh, Tampon và Cốc Nguyệt San



Là con gái, tớ tin rằng “ngày đèn đỏ” lúc nào cũng là một chủ đề nhạy cảm, ít khi được nói tới. 

Ngày trước tớ chỉ được dạy ngắn gọn lắm. Chu kỳ kinh nguyệt là gì à? Là việc con gái sẽ có một số ngày trong tháng, trứng rụng, rồi sao đó máu chảy ra ở vùng kín. Thế là kinh nguyệt. Hoặc hình như cũng có được dạy chi tiết hơn nhưng kiến thức lại không đủ gần gũi để hiểu, giờ nghĩ lại đầu óc chỉ có mỗi thế. 

Thế một cách nghiêm túc, chu kỳ kinh nguyệt là cái gì?

Kinh nguyệt là tập hợp các thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại ở cơ thể phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và cần thiết cho sự sinh sản.
Trong chu kỳ kinh nguyệt thông thường, cơ thể phụ nữ trưởng thành về giới tính phóng thích một trứng vào giai đoạn phóng noãn (rụng trứng). Trước khi phóng noãn, nội mạc tử cung, bao phủ bề mặt tử cung, được xây dựng theo kiểu đồng bộ hoá. Sau khi phóng noãn, nội mạc này thay đổi để chuẩn bị sẵn sàng cho trứng thụ tinh làm tổ và hình thành thai kỳ. Nếu thụ tinh và thai kỳ không xảy ra, tử cung loại bỏ lớp nội mạc này và chu kỳ kinh mới bắt đầu. Quá trình loại bỏ nội mạc được gọi là hành kinh và biểu hiện ra bên ngoài là kinh khi phần nội mạc tử cung và các sản phẩm của máu ra khỏi cơ thể qua âm đạo. Mặc dù nó thường được gọi là máu, nhưng thành phần của nó khác với máu tĩnh mạch.



Tóm tắt ngắn gọn thì,
Hành kinh là việc cơ thể phụ nữ đẩy máu ra ngoài hàng tháng. Thông thường, cơ thể sẽ trải qua 1 chu trình gồm các bước là rụng trứng – xây nội mạc (màng trong dạ con) ở tử cung chuẩn bị làm tổ cho trứng. Tại thời điểm này, trứng có thể gặp tinh trùng hoặc không.

Khi trứng gặp tinh trùng, ngay lập tức sẽ bắt đầu quá trình thụ thai tại khu vực tử cung có nội mạc sẵn sàng này luôn.

Nhưng khi trứng không gặp tinh trùng, cơ thể sẽ tự động đào thải lớp nội mạc đã xây sẵn kia ra ngoài để cơ thể trở lại trạng thái bình thường trước đó, như chưa có gì xảy ra. Phần nội mạc không được làm tổ thành công bị đẩy ra ngoài, đó chính là máu kinh.

Phần máu này được đẩy ra bắt đầu từ tử cung/ dạ con (nơi em bé sẽ nằm khi chúng mình có bầu), qua phần mở nhỏ của cổ tử cung, chạy qua dọc âm đạo rồi ra ngoài. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt thông thường sẽ kéo dài 3-5 ngày.

Nếu phần giải thích tóm tắt trên vẫn hơi khó hiểu, thì cả nhà xem tạm clip này nhé




Dùng gì khi tới kỳ kinh nguyệt?


-BĂNG VỆ SINH-



Là sự lựa chọn phổ biến nhất, rẻ nhất, đa dạng và dễ tìm mua nhất cho các chị em. Bạn có thể dễ dàng mua được các sản phẩm băng vệ sinh từ các tiệm tạp hoá gần nhà, shop tiện ích, siêu thị, nói chung chỗ nào cũng có và nơi nào cũng mua được.

Cách sử dụng:
Dán vào mặt trong quần lót của chị em và thay mỗi 2 tiếng. Siêu đơn giản ạ.



Ưu điểm:

  • Dễ mua
  • Giá rẻ
  • Nhiều sự lựa chọn (về nhãn hiệu, về kích cỡ, về chất lượng, v.v..)
  • Tiện lợi, dễ sử dụng

Nhược điểm:

  • Gây cảm giác và mùi khó chịu
  • Môi trường nóng, ẩm của bvs dễ là nơi sinh sôi, lây lan cho các loại nấm, vi khuẩn của vùng kín
  • Không thân thiện cho nhiều hoạt động của chị em như nằm, chạy nhảy, chơi thể thao, đi bơi
  • Nhiều hàng giả không rõ nguồn gốc trà trộn trong thị trường
  • Gây kích ứng, dị ứng (ngứa, rát) cho các chị em có da nhạy cảm
  • Sản xuất từ bông đã qua tẩy trắng bằng hoá chất, bông GMO
  • Không tái chế được, không thiêu huỷ được, không thân thiện với môi trường

Trải nghiệm của bản thân:

Đây là sự lựa chọn tớ ghét nhấtttt. Suốt rất nhiều năm đi học, cứ mỗi lần đến ngày, phải sử dụng bvs là da vùng kín của tớ lại bị mẩn ngứa. Tớ cũng rất sợ cái mùi và cảm giác khi phải sử dụng, thay bvs mỗi lần nữa. Khi nằm hoặc ngồi, rất dễ gây tai nạn để lại vệt. Mãi về sau lớn lên, tớ mới biết tìm đến những loại bvs có bề mặt bông cho da nhạy cảm (như Laurier, Diana Sensi) để khắc phục việc khó chịu, mẩn ngứa. Tuy nhiên về mùi và sự bất tiện thì vẫn không thể khắc phục được.

Hiện tại trên thế giới cũng đã có các phương án băng vệ sinh vải organic (sạch và hữu cơ), chắc trong tương lai tớ sẽ thử thêm.




-TAMPON-




Là sản phẩm hình trụ/ dạng ống, dài, làm từ bông nén có tác dụng thấm hút máu trong âm đạo mỗi kỳ kinh nguyệt. Sản phẩm rất được ưa chuộng bởi các chị em vì so với sử dụng băng vệ sinh, các chị em có thể tự do vận động thoải mái hơn hẳn khi dùng tampon. Tampon thường có loại đi kèm dụng cụ đưa vào âm đạo, hoặc chỉ là cái tampon bông không và mình phải tự đưa vào bằng tay. Ở Việt Nam tớ thấy tampon cũng bắt đầu được bán rộng rãi hơn trên các siêu thị lớn rồi nhưng hầu như là loại không có dụng cụ đưa vào đi kèm.

Cách sử dụng:

  • Rửa tay sạch sẽ
  • Ngồi xổm hoặc ngồi trên toilet và nhẹ nhàng đưa tampon vào âm đạo
  • Kiểm tra đầu dây vẫn nằm ở ngoài
  • Sau 1-2 tiếng thì rút đầu dây kéo theo tampon ra ngoài, và thay tampon mới
Cách đưa tampon vào (loại có dụng cụ hỗ trợ)

Cách đưa tampon vào (loại không có dụng cụ hỗ trợ)


Ưu điểm:

  • Thấm hút sạch sẽ, vệ sinh
  • Gọn nhẹ, tiện dụng, dễ mang theo người
  • Kín đáo hơn dùng bvs. Mặc quần áo ôm bó cũng không bị lộ.
  • Không có mùi khó chịu trong và sau khi sử dụng.
  • Cho chị em thoải mái vận động hơn sử dụng băng vệ sinh.

Khuyết điểm:

  • Không thoải mái. Vẫn có thể cảm nhận thấy có tampon. Nhất là sau 1 thời gian thấm hút thì cảm thấy khá khó chịu.
  • Cho những hoạt động mạnh 100% như tập thể thao mạnh, chạy, đi bơi thì chưa đạt về độ an toàn. Vẫn có thể xảy ra việc rò rỉ.
  • Những sự lựa chọn về tampon ở Việt Nam vẫn còn hạn chế
  • Sản xuất từ bông đã qua tẩy trắng bằng hoá chất, bông GMO
  • Không tái chế được, không thiêu huỷ được, không thân thiện với môi trường
  • Có thể dẫn đến hội chứng sốc độc tố (Toxic Shock Syndrome) do nhiễm khuẩn từ tampon siêu thấm hút. Do phần niêm mạc âm đạo của chúng mình rất mỏng và nhạy cảm, những sợi lông/ lưới từ tampon có thể tạo ra những vết xước nhỏ. Vi khuẩn từ đó lợi dụng tấn công cơ thể và gây ra hội chứng sốc độc tố (dẫn đến các triệu chứng như nôn nao, mẩn ngứa, đau đầu, ... nặng hơn có thể co giật, v.v..). Mọi người có thể google thêm từ khoá để biết thêm ạ

Trải nghiệm của bản thân:

Tớ bắt đầu sử dụng tampon vào năm 23 tuổi. Đúng là một cuộc cách mạng cho một đứa ghét băng vệ sinh qua nhiều năm tháng như tớ. Rất gọn nhẹ, tiện dụng. Tuy nhiên tớ cũng không dùng thường xuyên và thay thế bvs 100% như dự định được vì vẫn cảm thấy khó chịu, khi dùng tampon vẫn phải dự phòng thêm băng vệ sinh do lượng máu nhiều, vẫn xảy ra “rò rỉ”. 

Công việc di chuyển nhiều của tớ cũng không tiện để thay tampon thường xuyên. Tớ cũng khá e ngại với các sản phẩm tampon có kèm dụng cụ đặt bằng nhựa nữa, cảm giác mỗi lần sử dụng thấy lượng rác, nhựa mình thải ra môi trường là quá nhiềuuuu, nên vẫn trông mong vào một sản phẩm gì khác có thể thay thế. Và đặc biệt khi dùng qua các loại thấm hút mạnh thì thấy có cảm giác khá đau, khó chịu :(




CỐC NGUYỆT SAN
MENSTRUAL CUP


Theo tớ, thì đây là sản phẩm ít được biết đến nhất trong thị trường tuy đã được phát minh và sử dụng từ năm 1937. Cốc nguyệt san phải được sản xuất từ silicone đạt tiêu chuẩn y tế, có hình dáng như chiếc chuông hoặc phễu nhỏ, có tính đàn hồi tốt. Cốc được đưa vào và đặt trong âm đạo trong những ngày kinh nguyệt để “đựng” lượng máu chảy ra từ tử cung hàng tháng. Cốc có khả năng đựng đủ lượng máu trong vòng 4-12 tiếng tuỳ từng kích cỡ và lượng máu mỗi người. Khác với tampons và băng vệ sinh, cốc chỉ có chức năng “thu thập” dung dịch, chứ không “hút” hoặc “thấm” nó vào. Cốc có thể được tái sử dụng, tuổi thọ mỗi cốc kéo dài từ 2-7 năm tuỳ vào điều kiện bảo quản.

Cách sử dụng:

  • Rửa sạch tay
  • Gập cốc theo cách phù hợp
  • Đưa cốc nhẹ nhàng vào âm đạo
  • Khi cốc vào gần hết thì thả tay, xoay nhẹ để kiểm tra xem miệng cốc đã kín chưa
  • Cuối ngày, dùng tay bóp nhẹ đáy cốc và kéo cốc ra nhẹ nhàng
  • Đổ dung dịch
  • Rửa cốc và tay sạch sẽ
  • Sau đợt sử dụng, đưa cốc vào hoặc khử trùng bằng cách trụng qua nước sôi, hoặc quay lò vi sóng
Cách đặt cốc sử dụng kiểu gập chữ C


Ưu điểm:

  • Rất sạch, rất vệ sinh. Không có chút cảm giác khó chịu, ẩm ướt, không mùi gì, cả trong và sau khi sử dụng.
  • Nếu được đặt đúng cách, bạn sẽ không cảm thấy đang có cốc nguyệt san trong cơ thể.
  • Vệ sinh dễ dàng
  • Gọn nhẹ, tiện dụng
  • Thoải mái và phù hợp vận động nhất trong các loại. Kể cả vận động mạnh lẫn đi bơi đều rất ok
  • Tuyệt đối an toàn về mặt sức khoẻ cho cơ thể, không hoá chất, không GMO
  • Giảm thiểu rác thải, thân thiện hơn với môi trường
  • Độ pH của âm đạo được giữ cân bằng, các vi khuẩn có lợi không bị loại bỏ
  • Có thể hoạt động, sinh hoạt lâu hơn mà không phải thay sản phẩm (4-12 tiếng so với 2 tiếng khi dùng bvs hoặc tampon)

Nhược điểm:

  • Cần thời gian để tập làm quen khi mới bắt đầu. Người sử dụng sẽ phải làm quen với cách sử dụng, cơ địa vùng kín cũng phải làm quen với sản phẩm, v.v...
  • Thời gian đầu sẽ có nhiều khả năng rò rỉ do cơ âm đạo chưa thích nghi 100% để khớp với cốc ngay
  • Khi lấy sản phẩm ra sẽ hơi ...ghê (cho những ai chưa quen). Khá bất tiện khi phải lấy ra tại nhà vệ sinh công cộng.
  • Giá cao cho lần đầu tư đầu tiên
  • Bảo quản. Sau mỗi chu kỳ cần tiệt trùng sản phẩm bằng cách trần qua nước sôi hoặc dùng dung dịch chuyên dụng (như khi tiệt trùng bình sữa em bé)

Trải nghiệm cá nhân:

Tớ mới được giác ngộ cốc nguyệt san tính tới nay là 7 tháng thôi. Huhu nhưng phải công nhận em í là sản phẩm đã làm thay đổi cuộc đời tớ trên mọi mặt luôn. Thời gian đầu sử dụng đúng là tớ đã rất vất vả mới biết cách đặt cốc đúng chỗ, đảm bảo tạo được miệng kín trong cơ thể để chất lỏng không rò rỉ ra ngoài. Tớ mất tầm 3 lần đặt để quen. 

Tớ đã sử dụng qua 2 sản phẩm là Sckooncup và Lincup, so sánh chung thì tớ thích Lincup hơn rất nhiều. Chắc có lẽ sẽ dành 1 bài để review so sánh kỹ lưỡng hơn cho các bạn quan tâm. Nhìn chung, cốc nguyệt san là lựa chọn tớ thích nhất trong cả 3 phương án “đối phó” với mỗi kỳ kinh nguyệt. Vệ sinh, an toàn, thân thiện với môi trường, thoải mái, thực sự khi đã quen sử dụng rồi thì tớ không có gì để chê cả. Đây là thứ đã thay đổi cuộc đời tớ, làm cho tớ có thể sống như một người bình thường vào những ngày (trước đây là) kinh khủng nhất trong cuộc đời của tớ :(((( Hạnh phúc vô cùng í ạ. Tớ không còn bị quá đau bụng để đẩy máu ra ngoài, không cảm thấy khó chịu, ngửi thấy mùi ghê, cảm thấy mẩn ngứa và lo lắng về việc phải để vùng da nhạy cảm của cơ thể tiếp xúc với các sản phẩm bông đi qua hoá chất tẩy rửa nữa. Kỳ nghỉ hè vừa rồi đi biển với cả nhà, có cốc mà tớ tung tăng bơi lội chạy nhảy cả ngày mà không lo lắng, hoặc “gặp tai nạn” gì luôn.




Ngày trước khi mới tìm hiểu về cốc nguyệt san, tớ cũng khá bất ngờ vì những review tuyệt đối ủng hộ của các chị em trên thế giới. Nên việc quyết định chọn sử dụng cũng xảy ra rất nhanh. Tuy nhiên đến khi nhận sản phẩm về rồi và thực sự đưa vào sử dụng khi tới kỳ, tớ lại gặp rất nhiều bối rối. Đó là lí do tại sao tớ muốn viết series bài về cốc nguyệt san này để giúp các chị em hiểu rõ hơn về cốc nguyệt san nói riêng và cơ thể chúng mình nói chung, nhân tiện có thể giải đáp hết các thắc mắc (nếu được) của chị em về chủ đề này nữa. Tất cả để chúng mình có thể tìm ra một lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân. Chỉ mong sao mỗi ngày đó tới, chị em ta vẫn đủ tự tin thoải mái để thay đổi thế giới theo cách của riêng mình :* Không bị hạn chế bởi bất cứ thứ gì khác cả!!!

Bài tiếp theo trong series này, tớ sẽ xin giải đáp các thắc mắc thường gặp về vấn đề cốc nguyệt san nhé. Nên nếu các chị em nào có lăn tăn gì, thắc mắc gì chưa được giải đáp, hãy để lại comment ở phía dưới cho chúng tớ ạ >:D< Câu nào tớ không trả lời được, tớ sẽ đi hỏi các chuyên gia khác để đảm bảo độ chuẩn :*

Cảm ơn cả nhà vì đã ghé chơi,


Những bài viết của L@1S là do bọn mình tự tìm hiểu, tổng hợp và hệ thống lại để đưa ra chia sẻ với bạn đọc theo một cách L@1S nhất . Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm và đọc bài. Mọi vấn đề liên quan đến cộng tác hay sử dụng lại một phần hoặc toàn bộ nội dung bài viết, mời các bạn liên hệ với chúng mình tại địa chỉ emai loveat1stshine@gmail.com.Các bạn hoàn toàn có thể lưu lại với mục đích tra cứu, tham khảo cá nhân, nhưng xin phép đừng sử dụng hoặc đăng tải lại dưới bất kì hình thức nào và tại bất kì địa chỉ nào khác. 
Cảm ơn các bạn rất nhiều.




search