Cả 2 đứa chúng mình Loan và Diệp đều rất may mắn vì được sở hữu 2 làn da không quá 'nhạy cảm', ít nhất là không gặp những dấu hiệu của một làn da nhạy cảm bao giờ, nên nhiều khi nhận được những trăn trở, thắc mắc, chia sẻ của các bạn cũng rất muốn tìm hiểu về vấn đề này và giúp ở trong tầm khả năng có thể. Hôm nay chúng mình xin phép viết bài này, với đa số thông tin là đi đọc, tổng hợp được từ các nguồn nước ngoài, với mục đích giúp các bạn xác định được xem mình có da nhạy cảm hay không, và đóng góp một vài bí kíp để đối phó, chăm sóc làn da đó.
Vì trải nghiệm cá nhân đối với chăm sóc da nhạy cảm hầu như không nhiều, nên chúng mình rất mong sẽ nhận được nhiều comment đóng góp, chia sẻ, 'sửa chữa' những điều chưa đúng trong bài này để chúng mình cùng giúp nhau xinh đẹp, khỏe mạnh hơn các bạn nhé!
Da Nhạy Cảm Là Gì?
Khái niệm 'da nhạy cảm' rất hay bị lầm tưởng sau mỗi chúng ta khi thấy da trở nên rát, đỏ, ngứa ngáy, hay căng chặt sau khi tiếp xúc với những sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm hay bất kì hóa chất nào khác. Hay đơn giản nhiều khi bạn bỗng cảm thấy "khó chịu", "không thoải mái", hay không thấy một tác dụng rõ rệt nào của một sản phẩm mới sử dụng, bạn sẽ nghĩ mình có da nhạy cảm.
Nhưng thực ra các chuyên gia da liễu thường đánh giá da nhạy cảm dựa trên những biểu hiện sau:
- Da có những nốt mụn mủ, những nốt trồi lên (skin bumps)
- Da bị mài mòn, tổn thương
- Da bị quá khô, không đủ khả năng tự bảo vệ các mút thần kinh dưới da
- Da dễ ửng đỏ, hồng đỏ
Theo bác sĩ da liễu Leslie Baumann, da nhạy cảm được phân loại làm 4 loại điển hình gồm có - da mụn, rosacea (trứng cá đỏ/ chứng mũi đỏ), nóng rát và châm chích và viêm da tiếp xúc (dị ứng và kích ứng). Cả 4 loại này đều có một điểm chung - da bị viêm nhiễm.
À, đừng quên, Da Nhạy Cảm không phải là 1 LOẠI DA nhé!
Cái Gì Làm Da Nhạy Cảm?
Một số nguyên nhân chính dẫn đến da nhạy cảm gồm có
- Rối loạn về da hoặc những phản ứng về dị ứng da như eczema (tràm bội nhiễm?), rosacea, hoặc viêm da tiếp xúc
- Da bị quá khô hoặc quá tổn thương, mất đi khả năng tự bảo vệ những mút thần kinh dưới da
- Tiếp xúc quá lâu dưới những tác nhân môi trường gây tổn thương da như nắng, gió, thời tiết quá nóng hay quá lạnh
- Những nguyên nhân cụ thể gây ra từng loại nhạy cảm sẽ được liệt kê thêm ở dưới
Chọn Sản Phẩm Cho Da Nhạy Cảm
Thông thường, những sản phẩm được tiếp thị là 'dành cho da nhạy cảm' thường không ghi rõ cụ thể là loại da nhạy cảm nào trong khi nhu cầu riêng của mỗi loại là cực kì khác biệt. Tuy các thành phần trong những sản phẩm đó đã được FDA (Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ) thông qua, nhưng luôn lưu ý, không phải thành phần nào trong đó cũng sử dụng được cho tất cả các loại da nhạy cảm được. Bất kì thứ gì khi đưa lên mặt bạn cần phải trải qua 1 quá trình thử nghiệm cực kì cẩn trọng! Vì kể cả 2 bạn cùng có da nhạy cảm, nhưng không cùng loại, sử dụng cùng 1 sản phẩm nhẹ dịu vẫn có thể để lại 2 kết quả kích ứng khác nhau!
VD: Yến mạch có thể giúp xoa dịu viêm da tiếp xúc, nhưng không phải là thành phần phù hợp với mọi loại da nhạy cảm.
Phân Loại Da Nhạy Cảm (theo bác sĩ Baumann)
Rosacea - Trứng Cá Đỏ/ Chứng Mũi Đỏ
- Rosacea là một bệnh về da phổ biến, với những dấu hiệu đặc thù như đỏ mặt, mụn đỏ, và có những mạch máu vỡ trên mặt.
- Nguyên nhân của bệnh Rosacea tuy chưa được hoàn toàn xác định nhưng bao gồm những lý thuyết như vi khuẩn xâm nhập, di truyền, tác dụng phụ của ánh nắng mặt trời và mạch máu không ổn định.
- Những thành phần chống viêm, không gây kích ứng thường được chọn làm phương pháp điều trị cho bệnh này. Nó có khả năng làm giảm tấy đỏ, viêm nhiễm của rosacea và giảm đỏ mặt. Những thành phần đó bao gồm: caffein, sulfur, sulfacetamide, các kháng sinh và thành phần tự nhiên khác nhau như hoa cúc, trà xanh hay chiết xuất cam thảo...
- Da bị Rosacea nên cân nhắc trước khi sử dụng các sản phẩm có thành phần chứa Vitamin C hoặc AHAs do chúng có thể gây ngứa rát, châm chích.
Nóng Rát và Châm Chích
- Nguyên nhân của da nhạy cảm Nóng Rát và Châm Chích là chưa xác định.
- Rất khó để khắc phục cảm giác Nóng Rát và Châm Chích này do chưa có bằng chứng khoa học nào xác định được cụ thể nguyên nhân gây ra nó (do tuyến thần kinh nào hay do phần nào của da).
- Những thành phần được xác định thường gây ra cảm giác châm chích bao gồm lactic acid, azaelic acid, benzoic acid, glycolic acid, vitamin C và AHAs
- Các bác sĩ da liễu thường xác định loại da nhạy cảm này qua việc thử nghiệm và ghi lại lịch sử phản ứng của từng bệnh nhân. Nhưng đôi khi kết quả thường bị phức tạp hóa do bệnh nhân có thể bị châm chích với 1 loại chất, nhưng lại thấy bình thường với những chất còn lại
Viêm Da Tiếp Xúc (Dị Ứng)
Có 2 loại kích ứng da chính trong hạng mục này
- Loại thứ nhất là dị ứng nguyên, xảy ra khi bạn bị dị ứng với 1 thành phần nào đó. Ví dụ, khi bạn dị ứng với 1 thứ nhất định, hệ thống miễn dịch sẽ sản sinh ra các kháng thể chống lại thứ đó và tạo ra phản ứng dị ứng. Phản ứng này sẽ được cơ thể thực hiện lặp đi lặp lại để 'tự bảo vệ'.
- Loại thứ hai là kích ứng, xảy ra trong trường hợp một thành phần gây ra kích ứng nhưng bạn lại không dị ứng với nó. Ví dụ, khi đổ thuốc tẩy lên da, bạn sẽ thấy da bị kích ứng bởi hóa chất này - nhưng không có nghĩa bạn đang dị ứng với nó.
Những người mẩn đỏ thường xuyên khi sử dụng những sản phẩm chăm sóc da - họ dị ứng với chất tạo mùi, chất bảo quản, chất tạo màu hoặc formaldehyde.
Rất khó để xác định đâu là dị ứng thực sự, nên để tìm được câu trả lời chính xác, các bác sĩ da liễu thường thực hành một bài kiểm tra khoanh vùng (patch testing). Trong bài kiểm tra đó, các bác sĩ sẽ thoa lên 1 vùng da nhất định 1 thành phần nào đó, và quan sát phản ứng của da/cơ thể trong 24-48 tiếng tiếp theo.
Lớp mảng ẩm bảo vệ bị tổn thương (hoặc có khuyết tật) sẽ làm tăng độ nhạy cảm của da, khiến da dễ dị ứng và kích ứng hơn.
Có một lầm tưởng nho nhỏ rằng khi da nhạy cảm, mọi sản phẩm handmade và thiên nhiên đều tốt hơn cho da! Nhưng sự thực là không phải. Rất nhiều sản phẩm thiên nhiên, tự nhiên, organic có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc do chúng có chứa các loại tinh dầu hoặc mùi hương có thể gây nên dị ứng. Chính vì vậy, những người có da nhạy cảm cần cực kì tỉnh táo khi chọn mua những sản phẩm được dán nhãn 'tự nhiên' hoặc 'organic'.
Da Mụn
- Da dầu và hàm lượng vi khuẩn gây mụn (P. acnes) cao chính là nguyên nhân gây mụn trên da
- Những sản phẩm điều trị mụn hiệu quả bao gồm các thành phần chống viêm và chống khuẩn, bao gồm kháng sinh, benzoyl peroxide, salicylic acid và retinoids (sử dụng với liều lượng phù hợp, theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ)
- Một thành phần tự nhiên hay được sử dụng để xử lí mụn là dầu tràm trà/ dầu cây trà
- Những thành phần tự nhiên khác có thể làm tình trạng mụn trầm trọng hơn gồm có dầu dừa, quả bơ.
Một Số Lời Khuyên Cho Da Nhạy Cảm
1. Luôn thử nghiệm các sản phẩm chăm sóc da trước khi đưa vào sử dụng thường xuyên
- Bôi sản phẩm vào phần da sau tai trong 2-3 ngày liên tiếp, để qua đêm và theo dõi phản ứng
- Nếu không có phản ứng gì, tiếp tục lặp lại thử nghiệm, lần này bôi ở phần da gò má (dưới mắt)
- Nếu không có phản ứng gì, sản phẩm an toàn để sử dụng cho toàn khuôn mặt
2. LUÔN LUÔN dùng kem chống nắng, với SPF tối thiểu là 30. Kem chống nắng vật lý với thành phần có chứa zinc oxide và titanium dioxide sẽ giảm thiểu kích ứng hơn cả
3. Tránh các sản phẩm có chất tạo mùi, tạo màu hoặc alcohol. Chọn các sản phẩm có thành phần càng đơn giản, ngắn gọn càng tốt.
4. Khuyên dùng kem dưỡng ẩm có thành phần như linoleic acid, ceramides, dimethicone, hoặc glycerin.
5. Đặc biệt chú trọng chăm sóc, bảo vệ, củng cố lớp màng ẩm bảo vệ/ lớp màng lipid của da.
--------
Bài viết khá khô khan và nhiều chữ, hi vọng phần nào giúp được cả nhà trả lời câu hỏi 'Da tớ có nhạy cảm không?' nhé! Chính vì tính chất phức tạp và 'nhạy cảm' của chính loại da này, mà việc bắt mạch cũng như chữa trị, khắc phục nó cần rất nhiều kiên nhẫn và tinh tế. Bất kì bạn là loại da nào, dầu, hỗn hợp hay khô, đều có thể nhạy cảm. Dù có nhạy cảm do di truyền, bẩm sinh, hay do sử dụng những sản phẩm không phù hợp trong quá khứ, chúng mình hi vọng các bạn sẽ luôn kiên nhẫn, tỉnh táo, biết lắng nghe da mình để ngày một khỏe, đẹp hơn.
À, đừng quên, những bạn đọc có da nhạy cảm thân yêu hãy để lại comment chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, khắc phục ở dưới này để chúng mình cũng được học hỏi thêm nhiều kiến thức mới ạ :)
Cảm ơn cả nhà nhiều!
Nguồn:
Những bài
viết của L@1S là do bọn mình tự tìm hiểu, tổng hợp và hệ thống lại để
đưa ra chia sẻ với bạn đọc theo một cách L@1S nhất . Cảm ơn bạn đã dành
thời gian ghé thăm và đọc bài. Mọi vấn đề liên quan đến cộng tác hay sử
dụng lại một phần hoặc toàn bộ nội dung bài viết, mời các bạn liên hệ
với chúng mình tại địa chỉ emai loveat1stshine@gmail.com.Các
bạn hoàn toàn có thể lưu lại với mục đích tra cứu, tham khảo cá nhân,
nhưng xin phép đừng sử dụng hoặc đăng tải lại dưới bất kì hình thức nào
và tại bất kì địa chỉ nào khác.
Cảm ơn các bạn rất nhiều.