Powered by Blogger.

Cách Đọc Bao Bì Mĩ Phẩm

Từ bao lâu nay, bản chất con người vẫn luôn khao khát hướng tới cái đẹp. Tớ đây có thể dành cả buổi sáng ở trung tâm thương mại để ngắm vuốt, nâng niu từng đường nét chạm trổ tinh xảo trên thỏi son YSL nhưng lại không có thời gian cầm vỏ hộp trên tay xem xét cẩn thận các nguyên liệu, thành phần, nguồn gốc. Đúng, ai mà rảnh rang đến mức đấy cơ chứ?!!!

Nhưng xin chia buồn đó là một thói quen mua sắm rất không lành mạnh mà tớ và đảm bảo rất nhiều người trong số các bạn cũng đã và đang là nạn nhân. Không phải bất cứ thứ gì bày bán trên kệ mĩ phẩm ngoài kia cũng an toàn cả, và kể cả có an toàn thì chưa chắc 100% nó đã hợp với mình. 64% những gì chúng ta bôi lên da, lên mặt, được thẩm thấu luôn vào cơ thể, cho nên chính bạn chứ không ai khác là người sẽ “lãnh đủ” nếu không chọn mĩ phẩm cẩn thận. Ngay từ hôm nay, hãy mài dũa vốn kiến thức về mĩ phẩm của mình và rèn luyện thói quen đọc kĩ bao bì bất cứ món gì bạn mua nhé! Tớ phải hô hào cổ động như thế là vì trong khoản này tớ cũng cần phải khắt khe quân luật với chính mình nhiều hơn :(

Một vài thông tin quan trọng mà tớ nghĩ chúng mình nên để ý trên bao bì sản phẩm là:

1. Tên công ty - Địa chỉ nhà sản xuất

Cũng hợp lý thôi, không ai muốn mua thuốc có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng cả. Tương tự với mĩ phẩm, nhất định phải có tên công ty sản xuất, địa chỉ nhà sản xuất và đất nước phân phối. Công ty nào làm việc ngay thẳng sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin này, vì họ muốn bạn liên lạc với họ khi có bất cứ khúc mắc nào mà. Hãy nghỉ chơi với những món đồ có nguồn gốc không minh bạch nhé, không việc gì phải xoắn! 

health-2j

2. Kích cỡ, dung tích

Một tuýp kem dưỡng Clinique Dramatically Different Moisturizing Lotion 1.7 fl oz tận $14.5, nhưng cũng chính em í đóng lọ 4.2 fl (gấp gần 3 lần) lại chỉ có $26.  Vẫn nguyên tắc chung của việc mua sắm thôi: bán sỉ rẻ hơn bán lẻ, càng mua nhiều thì càng có lợi. Vì thế đừng quên để ý thể tích sản phẩm trước khi bạn rút ví ra trả tiền nhé. Nếu chưa thật sự chắc chắn mình có hợp không thì hãy mua chai nhỏ. Còn nếu đã trót yêu em í từ lâu rồi thì cứ chai to mà triển hehe.

3. Tên sản phẩm - Mục đích - Cách sử dụng

Nghe thì rất buồn cười, chẳng nhẽ mua đồ mà còn không để ý tên sao. Nhưng tin tớ đi, không biết bao nhiêu lần tớ đã phải chạy ra Walmart trả đồ vì tưởng mua kem ngày mà hoá ra nhanh nhẩu lấy phải kem đêm, tưởng mua kem mặt mà hoá ra lớ ngớ mang về kem tay. Còn hình thức sử dụng thì vô cùng, cái thì bôi sáng, cái thì bôi tối, cái thì để trên mặt 5', cái rửa lại với nước sạch cái không. Một bước rất đơn giản là xem kĩ tên sản phẩm với mục đích và cách sử dụng mà nhiều người bỏ qua cực í!

SAM_0699

4. Thành phần

Ahhh, đến phần quan trọng nhất đây rồi. Tớ không rõ với mĩ phẩm châu Á, nhưng Âu Mỹ luôn quy định liệt kê tất cả các thành phần trên bao bì. Nếu bao bì không đủ chỗ, nhất định  sẽ có vỏ hộp, tờ rơi, hoặc sticker dán trực tiếp lên thân các em í. Và khi đã tìm thấy list thành phần này thì cũng đừng hoảng vì chúng được ghi bằng tên khoa học cực kì rối mắt và khó nhớ. Giá mà người ta cứ Nước, Muối, Cồn, vv..vv thì có phải dễ hơn bao nhiêu không :(

- Thứ tự: Các nguyên liệu không phải được ngẫu nhiên xếp vào list, cũng không sắp xếp theo alphabet, chúng được liệt kê theo hàm lượng các bạn ạ. Những thành phần có hàm lượng lớn sẽ xuất hiện trước, rồi giảm dần. Thường nếu bạn chia list thành phần này làm 3 thì những nguyên liệu trong top đầu sẽ chiếm 90-95%, đoạn giữa tầm 5-8%, còn những em chót bảng chỉ có từ 1-3% thôi í (xin nhắc lại là thông thường, chứ không phải mọi trường hợp).

Tớ thấy đây là một kiến thức đau đầu  nhưng cần thiết, chẳng hạn có rất nhiều sản phẩm quảng cáo rầm rộ chiết xuất trà xanh, lô hội này kia nhưng lại có trà xanh, lô hội ở bét bảng xếp hạng thì quả không hợp lý nhỉ! Hoặc là có những hũ kem đắt tiền bậc nhất, nhưng Nước lại chễm trệ đứng ngay đầu, một hũ kem mà có tới 90% nước thì có đáng từng đấy tiền không ta?!

Ngoại lệ: Khi người ta ghi rõ Active Ingredients thì không giống như những mĩ phẩm thông thường, những em này được coi như dược mĩ phẩm- thuốc, cho nên thành phần sẽ được sắp xếp theo những chất hoạt động mạnh nhất.

inci-list-cosmetics (1)

Một vài thành phần nên tránh
Chính vì các thành phần được ghi bằng tên khoa học nên không thể và cũng không cần thiết phải hiểu và nhớ hết từng cái tên. Tớ nghĩ bước đầu hãy tập làm quen với những thành phần có khả năng gây kích ứng cao nhất trước đã. Dưới đây chưa phải là 1 list đầy đủ nhất, và đương nhiên là da mỗi người mỗi khác. Về phần tớ,  da tớ khá nhạy cảm nên tớ cố gắng hạn chế những món này:
  • Detergent - Chất tẩy rửa: Sodium Lauryl Sulfate, Sodium Laureth Sulfate (rất phổ biến) Cocamidopropyl Betaine 
  • Preservatives - Chất bảo quản: Benzyl Alcohol, Phenoxyethanol, Sodium Hydroxymethylglycinate
  •  Fragrance – Chất tạo mùi: Thường được ghi ngắn gọn là Parfum, Scent hoặc Aroma để chỉ chung các chất tạo mùi nhân tạo. 
Mặc dù biết là nên tránh nhưng rất khó để bài trừ hoàn toàn những thứ này. Rất nhiều sữa rửa mặt chứa ít nhiều sodium laureth sulfate, vì mục đích chính của chúng là để rửa còn gì. Hoặc chẳng hạn như các chất tạo mùi nhân tạo, nhiều hãng mĩ phẩm quyết tâm bài trừ món này nên sản phẩm chỉ có các nguyên liệu hoá học thô, thành ra mùi rất kinh dị :( Nếu phải đưa ra một lời khuyên thì chúng mình nghĩ các bạn da nhạy cảm hãy tránh voi chẳng xấu mặt nào. Còn các bạn có da thường, da không nhạy cảm thì cố gắng để ý hàm lượng và hạn chế là được :)

5. Một số từ khoá bắt tai

- Dematologist- tested: Đã được các bác sĩ da liễu kiểm nghiệm. Đương nhiên họ chỉ kiểm nghiệm thôi chứ không có nghĩa là họ khuyên dùng. Vì nếu vậy thì chắc các bác sĩ da liễu có phòng khám riêng ngoài kia sẽ thất nghiệp hết.

- Natural/ Organic: Mĩ phẩm thiên nhiên, hữu cơ, có chứa nhiều thành phần tự nhiên (Không có nghĩa là 100% là nguyên liệu tự nhiên, 0% nguyên liệu tổng hợp) Thuật ngữ này hay bị các hãng mĩ phẩm lạm dụng quá đà!

- Alcohol free: Không chứa cồn. Trong thế giới mĩ phẩm, cồn ám chỉ ethyl alcohol. Như vậy là cho dù sản phẩm có ghi alcohol free thì nó vẫn hoàn toàn có khả năng chứa các loại cồn khác như cetyl, stearyl, cetearyl or lanolin alcohol.

- Cruelty free/ Not tested on animals : Sản phẩm không qua thử nghiệm trên động vật, có nghĩa là không có chú thỏ nào đã phải làm chuột bạch để thử nghiệm sản phẩm này. Lưu ý là các chú thỏ này không bị test với hũ kem đó, không có nghĩa là không bị test với các thành phần riêng lẻ ngay từ ban đầu nhé !

- Hypoallergenic: Không gây kích ứng, hoặc khả năng kích ứng thấp hơn so với các sản phẩm khác. Tuy nhiên không thật sự có luật pháp nào định nghĩa và quy định rõ khái niệm này.

- Noncomedogenic: Không gây mụn, không làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Giống như hypoallergenic ở trên, khái niệm này cũng chỉ là tương đối.

Neutrogena-Hypoallergenic-Cleanser-Bar-95g_5


Trên đây đều là những từ khoá rất bắt tai trên bao bì sản phẩm, là những thỏi nam châm siêu mạnh để thu hút người tiêu dùng. Mặc dù tính xác thực của tất cả những khái niệm này đều chỉ là tương đối, nhưng không thể phủ nhận sức hút của chúng. Tớ liệt kê ở đây không phải để mọi người ngờ vực và mất niềm tin vào mĩ phẩm, mà chỉ là để tỉnh táo lựa chọn sản phẩm nào hợp với mình nhất, và nếu đã lỡ dùng sản phẩm không hợp với mình thì có thể hiểu được phần nào lý do! Xin nhắc lại một lần nữa da tớ khá nhạy cảm nên tớ hay tìm đến những từ khoá này, chứ các bạn có da khoẻ da đẹp sẵn rồi thì cũng không cần thiết phải để ý đến đoạn này lắm!


6. Các biểu tượng thông dụng

- Chữ e không viết hoa
Kí hiệu định lượng, ý nghĩa đảm bảo lượng mĩ phẩm trong hũ là chuẩn. 5gr là 5gr, không bao gồm nắp giấy, vỏ nhựa hay bất cứ thứ gì khác. Tiếng Việt ta gọi là Khối Lượng Tịnh các bạn nhỉ?
estimated_5658_0
- Hũ kem mở nắp có ghi số và chữ M
Thời hạn sử dụng tính từ ngày mở nắp. Không như nhiều đồ gia dụng khác, hạn sử dụng của mĩ phẩm thường đánh dấu từ ngày khui hộp. 6m= 6 tháng. 18M= 18tháng vv..vv đương nhiên trong điều kiện bảo quản sạch sẽ, khô thoáng

Print

- Chú thỏ tung tăng
Tên quốc tế Leaping Bunny, là biểu tượng toàn cầu cho việc đạt tiêu chuẩn cao nhất, nghiêm ngặt nhất về việc không thử nghiệm trên động vật. 

images (1)


- Ngọn lửa bùng cháy
Sản phẩm có nhiều thành phần dễ bắt lửa. Tránh tuyệt đối việc xức nước hoa hồng dưới ánh nến lãng mạn hoặc đêm lửa trại tưng bừng nhé các nàng!

images

- Tam giác có 3 mũi tên quay vòng
Không có gì xa lạ nữa rồi, chính hẳn biểu tượng toàn cầu cho recycling- tái sử dụng, tái chế. Sản phẩm có biểu tượng này chứng tỏ vỏ hộp được làm bằng các nguyên liệu tái chế nhé!

recycling-symbol
- Bàn tay giở sách
Xem thêm thông tin ở tờ rơi. Vì diện tích vỏ hộp có hạn nên nhà sản xuất in thêm thông tin ở tờ rơi kẹp trong hộp nếu bạn có nhu cầu tham khảo. Đương nhiên chúng ta mua mĩ phẩm xong đều giữ hộp và để ngay cạnh bàn trang điểm để tiện bề tra cứu í mà hoho
hand-book-symbolp_a3
Phù bài viết đến đây là hết rồi. Hơi dài dòng và ngồn ngột thông tin, nhưng bọn tớ hy vọng đã đem đến cho cả nhà một cái nhìn tương đối đầy đủ và khách quan nhất về nhãn mác mĩ phẩm. Nếu nhiều kiến thức quá chúng ta hoàn toàn có thể lưu lại rồi mỗi ngày giở ra chiêm nghiệm thêm một tí, vì tri thức là sức mạnh mà hihi.

Những bài viết của L@1S là do bọn mình tự tìm hiểu, tổng hợp và hệ thống lại để đưa ra chia sẻ với bạn đọc theo một cách L@1S nhất . Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm và đọc bài. Mọi vấn đề liên quan đến cộng tác hay sử dụng lại một phần hoặc toàn bộ nội dung bài viết, mời các bạn liên hệ với chúng mình tại địa chỉ emai loveat1stshine@gmail.com.Các bạn hoàn toàn có thể lưu lại với mục đích tra cứu, tham khảo cá nhân, nhưng xin phép đừng sử dụng hoặc đăng tải lại dưới bất kì hình thức nào và tại bất kì địa chỉ nào khác.
Cảm ơn các bạn rất nhiều.


11012072946_d81eaf5eb3_o

search